BQL D.A đường HCM được kết luận thiếu kiểm tra, giám sát trong thực hiện D.A. Ảnh: O.H |
Chưa được Bộ chấp thuận, vẫn “được” vào thi công
D.A hoàn thành góp phần hoàn chỉnh tuyến quốc lộ 14 là tuyến huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện D.A còn một số tồn tại, sai sót.
Theo phương án tài chính, giá trị D.A tính thời gian thu phí hoàn vốn có thuế VAT là 73.595 triệu đồng và cho cả 21 năm 7 tháng và 20 ngày chi phí duy tu, trung tu, đại tu. Còn chi phí quản lý khai thác là 45.778,72 triệu đồng. Nhà đầu tư được lựa chọn là Cty Cổ phần (CP) Toàn Mỹ 14 và Cty Băng Dương.
Theo quy định, nhà đầu tư phải đảm bảo yêu cầu “trong vòng 5 năm trở lại đây phải thực hiện ít nhất một công trình giao thông đường bộ cấp II hoặc 2 công trình giao thông cấp III cùng loại có tổng giá trị lớn hơn hoặc bằng 257 tỷ đồng và phải có kinh nghiệm trong thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và quản lý ít nhất 1 công trình giao thông đường bộ cấp II hoặc 2 công trình đường bộ cấp III. Bên cạnh đó, có vốn chủ sở hữu tối thiểu tính đến 31/12/2012 là 153,57 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, việc không kê khai về năng lực thiết kế trong lựa chọn nhà đầu tư được kết luận thanh tra nêu rõ là chưa phù hợp theo mời thầu. Đồng thời, hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư, năng lực kỹ thuật của nhà đầu tư không đạt theo hồ sơ yêu cầu. Việc này được Ban Quản lý (BQL) D.A đường HCM lý giải: Theo hồ sơ yêu cầu “trường hợp nhà đầu tư không có kinh nghiệm mà chỉ có năng lực về tài chính đầu tư D.A thì không đánh giá về kinh nghiệm”. Theo trả lời này, việc lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm chỉ là thứ yếu?
Cũng theo kết luận, quá trình triển khai D.A, nhà đầu tư đã duy trì mức vốn chủ sở hữu không đảm bảo theo hợp đồng BOT. Cụ thể, năm 2013 vốn chủ sở hữu của Cty CP Toàn Mỹ 14 duy trì 21,2 tỷ đồng; đến 2014 là gần 40 tỷ đồng tức là còn thiếu so với cam kết hợp đồng là 123,2 tỷ đồng.
Thêm nữa, việc lựa chọn nhà thầu phải được Bộ GTVT chấp thuận theo cam kết hợp đồng. Tuy nhiên việc lựa chọn Cty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Gia để thi công gói thầu 3A chưa được Bộ GTVT chấp thuận.
Chi phí quản lý vượt hơn 14 tỷ đồng
Giá trị D.A xác định sau thanh tra là trên 612 tỷ đồng trong đó giá trị xây lắp là 481,1 tỷ đồng, các chi phí giải phóng mặt bằng, tư vấn, chi phí khác, lãi vay là 130,8 tỷ đồng.
Về thanh toán, gói thầu số 2 vượt so với giá trị quyết toán A - B là 5,6 tỷ đồng; chi phí quản lý D.A thanh toán vượt trên 14 tỷ đồng; chi phí khách thanh toán vượt 6,3 tỷ đồng. Phần chi này do nhà đầu tư chi, không thuộc phạm vi D.A (tức là lỗ của doanh nghiệp). Ngoài ra, số tiền thuế được hoàn tính đến 30/7/2015 là 35,5 tỷ đồng đang gửi tại ngân hàng chưa hoàn tiền gốc vay ngân hàng theo điều khoản của hợp đồng tín dụng, làm tăng tiền lãi vay ngân hàng.
Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư rà soát, tính toán, chuẩn hóa lại khối lượng, giá trị láng nhựa đảm bảo giao thông được thanh, quyết toán của D.A; chi phí vận chuyển BTN, chi phí vận chuyển từ bãi đúc cấu kiện ra công trường đối với các cấu kiện nhỏ như: Rãnh dọc, nắp đan... theo Văn bản số 5610 ngày 7/5/2015 của Bộ GTVT.
Đáng chú ý, đến thời điểm thanh tra, giá trị D.A tính hoàn vốn trước thuế VAT là 552,1 tỷ đồng; sau thuế VAT trên 612 tỷ đồng; thời gian thu phí hoàn vốn tính lại là 11 năm 20 ngày (theo dữ liệu của phương án tài chính của hợp đồng chỉ tính lại giá trị D.A theo số liệu kết luận thanh tra). Như vậy, “thời gian thu phí hoàn vốn giảm 10 năm 7 tháng so với hợp đồng BOT đã ký (theo hợp đồng là 21 năm 7 tháng 20 ngày)” - kết luận thanh tra nêu rõ.
Bộ GTVT chỉ rõ, nhà đầu tư không đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu trong quá trình thực hiện D.A trách nhiệm thuộc Liên danh Cty Băng Dương và Cty CP Toàn Mỹ 14. BQL D.A đường HCM thiếu kiểm tra, giám sát. Những tồn tại trong thực hiện D.A thuộc trách nhiệm của Cty CP Toàn Mỹ 14 và các nhà thầu tham gia thực hiện D.A.
Bộ GTVT yêu cầu BQL D.A đường HCM, nhà đầu tư và doanh nghiệp D.A, các nhà thầu tư vấn, các nhà thầu thi công D.A và các đơn vị có trách nhiệm liên quan khẩn trương rà soát những tồn tại, rút kinh nghiệm và sớm khắc phục những tồn tại đã nêu trong kết luận. BQL D.A đường HCM tiến hành quyết toán chi phú chuẩn bị đầu tư; phối hợp với nhà đầu tư thanh toán cho nhà thầu lập D.A...
Bộ GTVT kết luận như trên thì trách nhiệm của Ban BQL D.A đường HCM là không nhỏ. Tuy nhiên lãnh đạo Văn phòng BQL D.A đường HCM trả lời theo biện pháp xử lý mà Bộ GTVT yêu cầu thì Ban này phải thực hiện 1 nội dung về tiến hành quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư và phối hợp thanh toán cho nhà thầu lập D.A. Việc này Ban đang thực hiện. Còn các nội dung về thực hiện kết luận thanh tra khác thì do các doanh nghiệp thực hiện và hiện Ban đang tổng hợp báo cáo Bộ GTVT.