Nhiều nhà thầu có nguy cơ “treo máy” tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM sẽ không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép thi công đối với các đơn vị chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, nhiều nhà thầu xây dựng có nguy cơ không được cấp giấy phép thi công, gặp rắc rối khi thi công tiếp nếu không nhanh chóng chấp hành quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM.
Có 169 vụ việc nhà thầu thi công bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính từ năm 2020 - 2023 trên địa bàn TP.HCM nhưng các nhà thầu chưa chấp hành nộp phạt. Ảnh: Nhã Chi
Có 169 vụ việc nhà thầu thi công bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính từ năm 2020 - 2023 trên địa bàn TP.HCM nhưng các nhà thầu chưa chấp hành nộp phạt. Ảnh: Nhã Chi

Loạt nhà thầu tên tuổi bị phạt

Có tới 169 vụ việc bị Thanh tra Sở GTVT TP.HCM lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính từ năm 2020 - 2023 đối với nhiều nhà thầu thi công công trình trên địa bàn nhưng các nhà thầu chưa chấp hành nộp phạt. Theo tìm hiểu, các nhà thầu có vi phạm ở nhiều dự án, trong đó có các dự án trọng điểm, dự án chuyên ngành và do quận/huyện quản lý.

Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông TP.HCM có tới 81 trường hợp nhà thầu liên quan. Có thể kể đến Tổng công ty Xây dựng số 1 bị lập 2 biên bản vi phạm do thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ giao thông có giấy phép thi công nhưng đã hết hạn; không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở đường hẹp.

Một nhà thầu khác là Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng bị xử lý đến 7 vụ việc vi phạm trong quá trình thi công tại chủ đầu tư trên. Theo đó, Liên danh 319 Bộ Quốc phòng - Công ty CP Đầu tư hạ tầng Đông Sơn để xảy ra hàng loạt tồn tại như: để vật liệu ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông, thi công khi giấy phép hết hạn, không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong…

Trong danh sách này, đứng top đầu về số vụ vi phạm là Công ty CP Xây dựng Môi Trường Sạch với 25 lần bị lập biên bản. Phần lớn các dự án nhà thầu này thi công do Ban QLDA ĐTXD khu vực Củ Chi làm Chủ đầu tư. Tiếp đến là Công ty TNHH Xây dựng Gia Linh bị phạt 17 lần, đều tại các dự án do Ban QLDA ĐTXD khu vực quận Tân Bình làm Chủ đầu tư.

Có 2 lĩnh vực nhà thầu thường xuyên bị phạt do vi phạm quy định đảm bảo an toàn khi thi công xây dựng là điện và nước. Chỉ tính riêng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước (Waseco) bị lập 13 biên bản, đa số tại các dự án do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn làm Chủ đầu tư. Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại dịch vụ Tuấn Phát bị lập 5 biên bản…

Bên cạnh đó, loạt nhà thầu quốc tế cũng bị Thanh tra Sở GTVT TP.HCM điểm danh vì vi phạm trong quá trình thi công nhưng chưa chấp hành quyết định xử phạt. Theo đó, Liên danh Yasuda - Kolon bị lập 7 biên bản. Liên danh Sumitomo - Cienco6 vi phạm trong việc không thu dọn ngay các biển báo, rào chắn, vật liệu khi thi công xong, thi công khi giấy phép hết hạn tại Dự án Metro số 1…

Thế khó của nhà thầu và khoản tiền phạt… khó đòi

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, sẽ nhanh chóng đóng phạt để tiếp tục thi công, đồng thời, chấn chỉnh công tác thi công, tránh tái phạm.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số nhà thầu trong danh sách trên, quá trình tổ chức thi công các công trình trong đô thị đông đúc, mật độ lưu thông phương tiện dày đặc, việc không để ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt của người dân là rất khó khăn. “Việc quên gia hạn giấy phép thi công là sơ suất của nhà thầu. Bên cạnh đó, sơ suất như thu dọn, vệ sinh sau khi hoàn trả mặt bằng chưa kịp thời thì đành chịu. Nhưng có những lỗi rất cần sự chia sẻ của cơ quan quản lý, người dân để công trình về đích đúng hạn”, một nhà thầu cho biết.

Đơn cử, với dự án cấp thoát nước, ngầm hóa lưới điện, nhà thầu chỉ được phép thi công sau 10 giờ đêm, hoàn trả mặt bằng trước 5 giờ sáng. “Đây là mốc thời gian gấp gáp. Do tính chất thi công xây dựng, 5 giờ sáng vẫn còn một số hạng mục cần hoàn thiện nên nhà thầu cố gắng cho xong. Quá giờ một chút là bị phạt ngay, sót một chút vật liệu cũng không tránh khỏi bị lập biên bản. Trong khi đó, áp lực tiến độ rất lớn, càng kéo dài thi công càng phát sinh chi phí, ảnh hưởng tiến độ chung và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”, một nhà thầu chia sẻ.

Từ phía Sở GTVT, khi công bố danh sách nhà thầu vi phạm hành chính chưa hoàn thành nghĩa vụ cũng cho biết nhiều trường hợp sẽ… khó đòi vì các hợp đồng thi công đều đã hoặc có nguy cơ bị chấm dứt do lỗi của nhà thầu. Cụ thể, Công ty CP Lạc An với 15 biên bản, tổng giá trị phạt 135 triệu đồng, Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh với 17 vụ việc, tổng giá trị phạt 132,75 triệu đồng…

Chuyên đề