Nhiều cơ hội đầu tư mới tại các dự án hạ tầng, dịch vụ công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số nội dung của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật sửa 4 luật (trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8) sẽ mở ra dư địa, nhiều cơ hội hơn cho khu vực tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
TP.HCM đã ban hành danh mục 23 dự án trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, 6 dự án trong lĩnh vực y tế và 12 dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo triển khai theo phương thức PPP. Ảnh: Song Lê
TP.HCM đã ban hành danh mục 23 dự án trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, 6 dự án trong lĩnh vực y tế và 12 dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo triển khai theo phương thức PPP. Ảnh: Song Lê

Triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, TP.HCM đã ban hành danh mục 23 dự án trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, 6 dự án trong lĩnh vực y tế và 12 dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo triển khai theo phương thức PPP. Trong lĩnh vực văn hóa thể thao có nhiều dự án quy mô lớn như Xây dựng mới Nhà hát Gia Định; Xây dựng mới Trung tâm Văn hóa Thành phố; Xây dựng mới sân vận động chính có bố trí đường chạy điền kinh… Lĩnh vực y tế có nhiều dự án để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển lĩnh vực y tế theo tiêu chuẩn quốc tế, như Dự án Xây dựng khu khám điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Xây dựng Khoa khám và điều trị cho người nước ngoài Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao; Xây dựng Bệnh viện đột quỵ TP.HCM… Trong lĩnh vực giáo dục là các dự án xây dựng trường học mới…

Nhìn từ địa phương đầu tiên thí điểm một số chính sách mới về PPP cho thấy cơ hội tham gia đầu tư của khu vực tư nhân trong thời gian tới vào các lĩnh vực dịch vụ công là rất lớn… Tại một số địa phương khác như Hà Nội với Luật Thủ đô, Nghệ An, Đà Nẵng với cơ chế đặc thù trong đó có chính sách về PPP, dự kiến hàng loạt dự án PPP mới sẽ được mời gọi nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực.

Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Hà Nội cho biết, Thành phố dự kiến chọn một số công trình quy mô lớn như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo để đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT. Những dự án BT theo nhận định có nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Nhìn lại thời gian qua có thể thấy, việc triển khai đầu tư theo phương thức PPP đã mở ra cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào các dự án đầu tư phát triển hạ tầng quốc gia, huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho phát triển. Riêng trong hơn 3 năm thực hiện Luật PPP, theo Bộ KH&ĐT, có 31 dự án mới đang được triển khai thực hiện và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP. Đây đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380 nghìn tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước. Các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật PPP dự kiến sẽ hình thành khoảng 1.000 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế tiêu chuẩn cấp 4C, 3 công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, 3 nhà máy cung cấp nước sạch, góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của các địa phương.

Với việc sửa đổi Luật PPP lần này tại Luật sửa 4 luật, nhiều chính sách được quy định ở cơ chế đặc thù của các địa phương sẽ được đưa vào Luật, thậm chí cởi mở hơn, áp dụng cho cả nước, kỳ vọng sẽ có rất nhiều dự án PPP trong tương lai được mời gọi đầu tư trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Theo Bộ KH&ĐT, tại Dự thảo Luật mới nhất, Bộ đề xuất không hạn chế lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, trừ các dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đầu tư PPP được khuyến khích thực hiện với tất cả dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Đồng thời, bỏ hạn mức quy mô tối thiểu của dự án PPP để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng cho từng dự án cụ thể.

Dự thảo Luật cũng khôi phục loại hợp đồng BT, với 2 hình thức thanh toán bằng tiền và bằng đất. Cho phép đầu tư BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt, đáp ứng điều kiện bảo đảm quyền lựa chọn của người dân.

Để hấp dẫn khu vực tư nhân hơn, Dự thảo Luật sửa đổi quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án trong một số trường hợp cụ thể có thể tăng lên không quá 70%; quy định về nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chia sẻ giảm doanh thu. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân quyền, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đối với loại hợp đồng O&M, được nhà đầu tư hạ tầng rất quan tâm, Dự thảo Luật có quy định tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi trong quá trình chuẩn bị dự án với quy trình thực hiện đơn giản hơn, phù hợp với dự án không có cấu phần xây dựng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhà thầu xây dựng rất quan tâm đến Luật sửa 4 luật lần này, đặc biệt là Luật Đấu thầu và Luật PPP. Ông Tuấn đánh giá cao việc khôi phục lại dự án BT vì đây vẫn là hình thức đầu tư có hiệu quả, bản chất loại hợp đồng này không có lỗi mà do thực hiện. Đồng thời, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc dự án BT tại Dự thảo Luật cũng là vấn đề các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng tham gia vào dự án BT trước đây rất chờ đợi.

Ông Nguyễn Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, việc quy định hợp đồng BT và BOT trên công trình hiện hữu là cần thiết. Đầu tư BOT trên công trình hiện hữu sẽ giúp có thêm nguồn lực cải tạo, nâng cấp các công trình, đáp ứng nhu cầu sử dụng, quan trọng là xác định mức thu phí phù hợp chi phí bỏ ra. Bên cạnh đó, ông Nội đề xuất thành lập Quỹ PPP, đây là quỹ rất quan trọng để có nguồn lực kịp thời thực hiện các công việc của Nhà nước trong dự án PPP. Quỹ này có thể do Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và tài chính quốc tế; sử dụng thí điểm cho các địa phương lớn theo cơ chế cho vay... Từ đó sẽ giúp việc thực hiện dự án PPP nhanh hơn, khả thi hơn rất nhiều.

Chuyên đề