Nhà thầu vượt khó, chủ động đón bắt tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Băng qua gian khó của đại dịch và thương trường, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng Việt đã trưởng thành vượt bậc khi lớn mạnh cùng các công trình tầm vóc, làm chủ tình thế và khẳng định uy tín bằng những quyết định sống còn. Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, CC1, Phương Thành… đã trở thành cánh chim đầu đàn, kéo theo sự phát triển của đội ngũ thầu phụ, nhà cung cấp trên cả nước.
Thi công công trình cầu Nhơn Trạch thuộc Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) đường Vành đai 3 TP.HCM hợp long trước tiến độ 4 tháng. Ảnh: Lê Tiên
Thi công công trình cầu Nhơn Trạch thuộc Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) đường Vành đai 3 TP.HCM hợp long trước tiến độ 4 tháng. Ảnh: Lê Tiên

Khi chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, chủ đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất nhiều lần nhắc tới những nỗ lực vượt khó, đưa công trình về đích đúng hẹn của các nhà thầu.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, thực hiện theo lệnh khẩn cấp, thời gian thi công đúng trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành nặng nề nhất. Sau khi nâng cấp, cải tạo, cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục tiếp nhận được các tàu Aibus A350, Boeing 787-9 hay 787-10, đáp ứng nhu cầu khai thác dự kiến 50 triệu lượt hành khách/năm. Trong giai đoạn dịch Covid-19, hàng loạt nhà thầu đã ăn ngủ trên công trường như: ACC, CIENCO4, Công ty 647.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, trên công trường đường băng Tân Sơn Nhất luôn có khoảng 700 công nhân và các cán bộ kỹ thuật thực hiện “3 tại chỗ” liên tục trong gần 4 tháng thi công. Do Dự án cần huy động nguồn vật tư, thiết bị khổng lồ nên cả Chủ đầu tư và nhà thầu đã chủ động đề xuất Bộ Giao thông vận tải, TP.HCM cấp “luồng xanh” để việc vận chuyển, cung ứng vật tư không gián đoạn. Bên cạnh đó, phải kể đến sự hỗ trợ kịp thời của Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Sư đoàn Không quân 370, nhất là giai đoạn những ca F0 đầu tiên xuất hiện trên công trình. Dự án được đưa vào sử dụng sau 4 tháng thi công, giúp gia tăng hiệu quả công suất vận chuyển của sân bay này.

Cũng vươn mình trong đại dịch, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư cho thấy khả năng ứng biến của đội ngũ nhà thầu Việt, biến nguy thành cơ hữu hiệu hơn bao giờ hết. Dự án có quy mô hơn 3.300 tỷ đồng, quy tụ những tên tuổi thi công thủy lợi uy tín nhất Việt Nam. Gói thầu XL 01 Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị cống Cái Lớn, Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Lilama 10 - Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C - Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương - Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn - Công ty TNHH Hòa Hiệp đảm nhận, đã thi công vượt tiến độ nhiều tháng.

Đại diện một nhà thầu chia sẻ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Công ty đã huy động những công nhân giỏi tay nghề nhất, chuẩn bị hành lý cho chuyến đi dài dọc theo Quốc lộ 1 từ Bắc vào tận miền Tây với tâm lý sẵn sàng… ăn Tết trên xe. Gói ghém mang theo là bánh chưng, giò, chả - những loại thực phẩm có thể để lâu, dễ bảo quản, dễ ăn. Vì anh em xác định, đã lên xe là chạy thẳng đến công trình, không thể dừng lại bất kỳ địa phương nào. “Ra công trình như ra trận, tâm thế vững vàng, tự tin để vươn lên nghịch cảnh”, ông nói.

Trong khi đó, phía Chủ đầu tư cho biết, đã chứng kiến nhiều điều chưa có tiền lệ trên công trường, từ huy động nhân lực, phương tiện cho tới công tác quản lý, điều hành. Khó khăn phát sinh với nhà thầu vô cùng lớn: nhân công bị nhiễm Covid-19, cung ứng vật tư bị đứt đoạn, gánh nặng chi phí “3 tại chỗ” vì 24 tháng thi công Dự án thì 24 tháng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, kiên trì thực hiện “3 tại chỗ” và có sự chuẩn bị chuyên nghiệp, các nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ ngay sau khi khởi công, nhờ đó “né” được “bão” trượt giá vật liệu xây dựng năm 2021. Tháng 3/2022, khi cắt băng khánh thành Dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, nếu không có đủ bản lĩnh, nỗ lực vượt khó, biến nguy thành cơ của đội ngũ nhà thầu, rất khó để đưa vào vận hành trước kế hoạch công trình thế kỷ này.

Tháng 9/2024, tại công trình cầu Nhơn Trạch thuộc Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) đường Vành đai 3 TP.HCM, phóng viên được ghi nhận nỗ lực vượt bão giá của nhà thầu Việt. VNCN E&C, Đạt Phương - những tên tuổi lớn trong thi công hạ tầng giao thông - đã khiến 2 nhà thầu xây dựng Hàn Quốc là Kumho E&C và Dongbu Corporation phải nể phục với độ chuyên nghiệp, quyết tâm tìm các nguồn cát thương mại, chấp nhận bù giá để chủ động kế hoạch thi công. “Nỗ lực của nhà thầu đã giúp công trình hợp long trước tiến độ 4 tháng. Lấy tiến độ để bù chi phí trượt giá nguyên liệu cát là bài toán khó giải, nhưng các nhà thầu Việt Nam đã luôn đồng hành cùng chúng tôi tại công trình này”, 2 đơn vị thi công của Hàn Quốc chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, những năm gần đây, sự phát triển của đội ngũ nhà thầu Việt Nam rất đáng ghi nhận. Thời điểm cuối năm 2022, số lượng nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng công trình giao thông có giá trị hợp đồng từ 1.000 tỷ đồng trở lên không nhiều (khoảng 14 nhà thầu). Nhưng giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025 với việc đồng loạt triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam, đội ngũ nhà thầu Việt Nam đã tích lũy thêm năng lực, kinh nghiệm tại những dự án phức tạp về kỹ thuật, quy mô lớn về giá trị, nhiều máy móc thiết bị tân tiến, hiện đại nhất cũng được nhà thầu liên tục đầu tư, trang bị đến các công trình.

Vượt qua thách thức, khó khăn, Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, CC1, Phương Thành… đã trở thành cánh chim đầu đàn, kéo theo sự phát triển của đội ngũ thầu phụ, nhà cung cấp trên cả nước. Chưa kể, với mạng cao tốc trục ngang, loạt doanh nghiệp địa phương cũng được nhập cuộc, góp sức trong các công trình trọng điểm quốc gia, phát huy lợi thế của doanh nghiệp bản địa, giúp tạo thêm hàng nghìn công việc cho người lao động địa phương. Các nhà thầu đã và đang nắm bắt cơ hội rất tốt từ dòng vốn đầu tư công cho các công trình trọng điểm.

Không chỉ gắn tên mình trên các công trình lớn, công trình thế kỷ của đất nước, nhiều nhà thầu Việt giữ được sức khỏe tài chính vững vàng, hiệu quả kinh doanh cải thiện. Công ty Hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu đạt 2.277 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 361 tỷ đồng, tương ứng tăng 25% và 17% so với cùng kỳ 2023. Đạt Phương, Vinaconex, CC1... chưa công bố kết quả 9 tháng, nhưng nửa đầu năm 2024 có hiệu quả làm hài lòng cổ đông. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm của Đạt Phương tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.386 tỷ đồng; lợi nhuận ròng tăng 9,5%, đạt 150,1 tỷ đồng. Vinaconex ghi nhận lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm tăng 265% so với cùng kỳ 2023, đạt 646 tỷ đồng. CC1 đạt doanh thu 3.644 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tăng 81%, đạt 34,6 tỷ đồng…

Những năm qua, giá nhiều nguyên vật liệu biến động phi mã trong khi việc công bố chỉ số giá, cập nhật giá vật liệu chậm được sửa đổi. Bất cập này đã khiến các nhà thầu gánh chịu không ít áp lực. Tuy nhiên, nỗ lực vượt khó vươn lên của nhà thầu là những bằng chứng rõ nét cho thấy “không gì là không thể”. Người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải nhận định, bước tiến của nhà thầu Việt là rất đáng ghi nhận và đặt niềm tin, đội ngũ nhà thầu xây dựng trong nước sẽ tận dụng tốt cơ hội để làm chủ công nghệ mới, kiến tạo nên những công trình kỳ vĩ, cùng góp sức đưa đất nước bước sang giai đoạn hùng cường.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư