Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng thì việc chia sẻ kinh nghiệm và tinh thần đoàn kết giữa các doanh nghiệp xây dựng trong nước là điều rất cần thiết. Ảnh: Lê Tiên |
Từ thua đến thắng trong ngành than...
Các gói thầu cung cấp than cho hệ thống nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn Điện lực (EVN) là đấu trường khốc liệt đối với mọi nhà thầu, kể cả trong nước lẫn quốc tế. Và hành trình “định danh” của nhà thầu Việt trong những gói thầu này rất cam go, đầy thử thách. Mới đây, Gói thầu số 11 thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng đạt tỷ lệ tiết kiệm hơn 45% qua đấu thầu rộng rãi quốc tế. Nhà thầu trúng thầu là Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, với giá trúng thầu là 605,105 tỷ đồng. Đây là một nhà thầu hoàn toàn “thuần Việt”, đang vươn lên thành đối thủ đáng gờm cho mọi “ông lớn” chuyên cung cấp than với khối lượng khủng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công nghệ EVN (Bên mời thầu) cho biết, có 10 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), trong đó có 3 nhà thầu nước ngoài, 6 nhà thầu liên danh giữa nhà thầu Việt Nam và nhà thầu nước ngoài, 1 nhà thầu Việt Nam. Qua đánh giá, có 5 nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật. Hoành Sơn là nhà thầu Việt Nam độc lập duy nhất dự thầu và trúng thầu, loại được 4 đối thủ sừng sỏ cùng vào tới vòng đánh giá về tài chính.
Nhưng không phải gói thầu nào Hoành Sơn cũng chiến thắng như thế. Vào tháng 6/2019, GENCO 3 đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Cung cấp than Anthracite nhập khẩu phục vụ sản xuất điện cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 năm 2019. Hoành Sơn đã “thất thủ” trước đối thủ Liên danh Tata International Singapore Pte Limited 7 - Công ty CP Kiến trúc Xây dựng và Thương mại 36 (Công ty 36). Tuy nhiên, trong Liên danh trúng thầu cũng có tên của một nhà thầu Việt.
Tra soát những gói thầu tại các nhà máy nhiệt điện khác, có thể nhận thấy, các nhà thầu Việt rất nỗ lực tham gia với nhiều tư cách dự thầu. Theo các nhà thầu, bằng con đường liên danh, nhà thầu Việt có bước đi khôn ngoan trong việc cạnh tranh.
Tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3, trong năm 2017, Tổng công ty Phát điện 1 đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu tương ứng 3 đợt mua than vận hành thương mại. Gói thầu mua than đợt 1 có giá gói thầu 1.892 tỷ đồng, Liên danh Franky - Tata International JV trúng thầu với giá trúng thầu 62 triệu USD. Gói thầu mua than đợt 2 trị giá 1.892 tỷ đồng, Liên danh Công ty CP Kỹ thuật ứng dụng quốc tế (IPECO) - SUNLIGHT trúng với giá 65 triệu USD. Gói mua than đợt 3 có giá trị 1.739 tỷ đồng, Liên danh JV VN - BANPU trúng với giá trúng thầu 75,6 triệu USD. Năm 2018, Gói thầu Mua than phục vụ chạy thử nghiệm Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng có giá gói thầu 1.153 tỷ đồng, lựa chọn được nhà thầu cho các lô thầu gồm Liên danh IPECO - CTS; Liên danh Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC - SGE - Công ty CP Viên Lâm Hà Nội.
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, có 2 gói thầu đấu thầu rộng rãi quốc tế mua than đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Gói thầu thứ nhất phê duyệt kết quả vào tháng 3/2017 là Gói thầu số 12 Cung cấp than nhập khẩu phục vụ chạy thử, nghiệm thu Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Liên danh Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC - PT SUMBER GLOBAL ENERGY - Công ty CP Viên Lâm Hà Nội trúng thầu với mức giảm giá rất cao (giá gói thầu 1.750 tỷ đồng, giá trúng thầu 1.084 tỷ đồng). Gói thầu Cung cấp than nhập khẩu phục vụ vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 - đợt 1 có giá gói thầu 2.071 tỷ đồng, được phê duyệt kết quả vào tháng 12/2017, Liên danh Hoành Sơn - VSSC Singapore trúng thầu với giá 68,99 triệu USD.
Như vậy, trong số các nhà thầu đã từng trúng các gói thầu cung cấp than nghìn tỷ đấu thầu rộng rãi quốc tế ở Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có nhiều nhà thầu Việt Nam, như IPECO, Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC, Công ty CP Viên Lâm Hà Nội.
...đến thương hiệu của đội ngũ cơ khí hàng hải
Trong số các nhà thầu Việt nỗ lực không ngừng khẳng định tên tuổi mình trên đấu trường quốc tế, khách quan mà nói, đội ngũ cơ khí hàng hải xứng đáng tiên phong. Rất nhiều gói thầu trị giá hàng chục triệu USD do các chính phủ mời thầu đã thuộc về đội ngũ kỹ sư lành nghề của cơ khí hàng hải Việt Nam. Trong đó, Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC M&C) đã khẳng định vị thế là một trong những tổng thầu EPCI hàng đầu trong nước và vươn ra tầm khu vực từ 10 năm nay.
Theo lãnh đạo PTSC M&C, từ những dự án quy mô vừa cho các công ty dầu khí trong nước, PTSC M&C bước sang một lĩnh vực mới đầy tự tin: đấu thầu quốc tế các dự án thiết kế và đóng mới giàn khoan dầu khí với yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, có khối lượng thiết bị chế tạo, lắp đặt hơn nghìn tấn. Ðó là Dự án Thiết kế, mua sắm, chế tạo và chạy thử giàn đầu giếng WHP-A mỏ Sư Tử Ðen cho chủ đầu tư Cửu Long JOC. Quy mô dự án gồm giàn đầu giếng WHP-A cùng toàn bộ các hệ thống công nghệ thiết bị điện và tự động hóa, tổng trọng lượng 2.400 tấn.
Năm 2018, nhà thầu này đã thắng gói tổng thầu EPCI Dự án Al Shaheen do Nhà điều hành dầu khí North Oil Company (Qatar) làm chủ đầu tư. Giá trị hợp đồng của gói thầu này lên đến hàng trăm triệu USD. Trước đó, PTSC M&C đã từng thắng thầu tại những dự án đóng giàn khoan dầu khí cho nước ngoài như các hãng Talisman (Malaysia), Total (Pháp), Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ - ONGC.
Tại Việt Nam, những dự án hạ tầng dàn khoan của Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị trực thuộc, thậm chí của các chủ đầu tư nước ngoài, đều dành nhiều tin tưởng cho PTSC M&C bởi năng lực, uy tín. Có thể nói trong bối cảnh hiện nay, đối với các gói thầu đấu thầu quốc tế, PTSC M&C hoàn toàn có quyền chọn liên danh cho mình, không còn ở vị thế “nhờ” liên danh để khẳng định thương hiệu. Đây là một vị thế mà rất nhiều mồ hôi, công sức của đội ngũ kỹ sư, thợ lành nghề cơ khí hàng hải dày công vun đắp.
Và cơ hội nào tại Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam?
Câu chuyện những nhà thầu nào quan tâm tham dự các gói thầu thuộc Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam có lẽ luôn là đề tài của giới nhà thầu xây lắp thời gian gần đây. Cũng có những quan ngại khi lực lượng nhà thầu của một quốc gia khác có tỷ lệ áp đảo. Và so kè năng lực của các nhà thầu Việt Nam trong những gói thầu này thực sự đến đâu?
Tuy nhiên, tinh thần của Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên lựa chọn nhà thầu đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công, đội ngũ nhân sự dày dạn kinh nghiệm mà không phân biệt quốc tịch. Đây chính là cái gốc để những nhà thầu của chúng ta vươn lên tầm khu vực. Ngay trong lĩnh vực xây lắp, Coteccons, Hòa Bình đang đàng hoàng ở vị thế “được chọn chủ đầu tư”, kể cả với các chủ đầu tư nước ngoài. Hay trong lĩnh vực hầm, FECON đã đảm nhận được hạng mục mà lâu nay vốn chỉ dành cho nhà thầu ngoại. Vậy thì, tại sao không dành niềm tin nhiều hơn cho các nhà thầu Việt khi tham gia vào các gói thầu thuộc Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam? Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải đã khẳng định, cơ hội với mọi nhà thầu tại dự án này là như nhau, và nhà thầu Việt có rất nhiều phương thức để góp phần vào Dự án. Dự thầu độc lập với gói thầu quy mô vừa sức, liên danh với nước ngoài trong những gói thầu phức tạp…
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu Việt Nam cho rằng, ngành xây dựng là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế hiện nay. Và khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng thì việc chia sẻ kinh nghiệm và tinh thần đoàn kết giữa các doanh nghiệp xây dựng trong nước là điều rất cần thiết. “Chúng ta phải làm thế nào để khi ra biển lớn, không phải chúng ta chỉ đi một thuyền lớn mà là đi cả hạm đội”, ông Hải mong muốn.