Nhà thầu Việt thắng nhà thầu ngoại: Ăn nhau ở “cái đầu”

(BĐT) - Việc những nhà thầu Việt, nhất là những nhà thầu trong ngành xây dựng, liên tiếp giành chiến thắng trước các nhà thầu nước ngoài cho thấy tầm vóc của nhà thầu Việt ngày càng được nâng cao.
Nhà thầu Việt thắng nhà thầu ngoại: Ăn nhau ở “cái đầu”

Hành trình từ nhà thầu phụ lên nhà thầu chính

Hơn 10 năm trước, những công trình xây dựng như cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng, khách sạn cao cấp thường do những nhà thầu đến từ nước ngoài làm tổng thầu. Nhà thầu Việt lúc đó dường như ít có thương hiệu nào đủ năng lực và trình độ để được chủ đầu tư lựa chọn gánh vác trọng trách lớn lao này. Thành công lớn nhất của các nhà thầu Việt thời điểm ấy là được các nhà thầu nước ngoài chọn làm nhà thầu phụ.

Nhưng ngày nay, cũng với những công trình rất tầm cỡ và quy mô từ Bắc chí Nam, số lượng nhà thầu Việt làm nhà thầu chính đã áp đảo so với các nhà thầu “ngoại”. Sự soán ngôi này là một xu hướng tất yếu, bởi lẽ trình độ kỹ thuật, công nghệ, các phương tiện máy móc, cũng như các nguyên lý, phương pháp thi công, đặc biệt là “cái đầu” của các nhà thầu Việt không thua kém gì so với những nhà thầu hàng đầu trên thế giới.

Người xưa thường bảo “cái khó ló cái khôn”. Nhiều nhà thầu Việt có tên tuổi cho biết, chính giai đoạn làm thầu phụ cho các đối tác Nhật, Pháp, Hàn Quốc… đã giúp họ tiếp cận, triển khai và áp dụng thành công những tiến bộ của ngành xây dựng nước ngoài. Ngoài ra, có thể nói nhiều nhà thầu Việt rất xuất sắc, nhanh nhạy và sáng tạo, nhờ vậy thu nạp kiến thức và kinh nghiệm rất nhanh.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, bước ngoặt lớn nhất của Hòa Bình chính là việc năm 2014 đã tham gia đấu thầu quốc tế và vượt qua nhiều nhà thầu lớn của nước ngoài để thắng thầu tại Dự án Saigon Centre ở trung tâm Quận 1, TP.HCM do Keppel Land WATCO II và Keppel Land WATCO III làm chủ đầu tư. Điểm đặc biệt ở dự án này là có 45 tầng nổi, 6 tầng hầm, sâu 28 m, kết cấu thuộc dạng rất phức tạp, tuy chưa xong phần thân, nhưng ở các tầng hầm và trung tâm thương mại bên dưới vẫn đưa vào hoạt động bình thường (Hòa Bình đã chứng minh được giải pháp thi công an toàn và được Bộ Xây dựng đồng ý). Từ đó đến nay, trong vai trò tổng thầu, Hòa Bình liên tiếp trúng những công trình lớn, phức tạp, cả trong và ngoài nước.

Năm 2016, một tin vui nữa lại đến với ngành xây dựng khi một nhà thầu của Việt Nam là Công ty CP Xây dựng Coteccons (Coteccons Group) đã đánh bại nhiều đối thủ là các nhà thầu nước ngoài nổi tiếng, để thắng thầu dự án siêu cao tầng The Landmark 81. Với chiều cao 461 m, The Landmark 81 được ghi danh vào vị trí thứ 8 trong top 10 tòa nhà cao nhất thế giới, sánh vai cùng các tòa nhà chọc trời như Burj Khalifa (848 m), Shanghai Tower (632 m), One World Trade Center (546 m)...

Ngoài hai tên tuổi lớn là Hòa Bình và Coteccons, những năm gần đây, các nhà thầu như: Unicons - một thành viên của Coteccons Group, An Phong, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty TNHH MTV, Công ty CP Xây dựng số 1 (COFICO), Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA, Công ty CP FECON, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng F.D.C… cũng đã không ngừng lớn mạnh khi chứng minh được khả năng thi công những công trình lớn ở trong và ngoài nước.

Với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Lê Viết Hải cho rằng, thực tế đã chứng minh, có những cái nhà thầu Việt làm được nhưng nhà thầu nước ngoài không làm được, như câu chuyện Dự án Saigon Centre vừa xây vừa đưa vào hoạt động là một ví dụ. Cũng có dự án nhà thầu ngoại làm được, nhưng nhà thầu Việt còn làm tốt hơn như Dự án The Landmark 81 nói trên. Hiện nay ở TP.HCM nói riêng vắng bóng hẳn những nhà thầu xây dựng nước ngoài. Đó là thành công lớn của các nhà thầu Việt trong cuộc cạnh tranh bình đẳng với nhà thầu ngoại. 

Bí quyết thành công là con người

Điều khiến nhiều nhà thầu Việt trăn trở nhất là thị trường nước ngoài, với quy mô lên đến hàng chục ngàn tỷ USD dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, trên thực tế, ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ở thị trường nhiều nước.
Theo kinh nghiệm từ các nhà thầu Việt, trong đấu thầu, để thắng thầu, điều quan trọng nhất vẫn là năng lực thực sự của nhà thầu có đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư hay không. Việc chứng minh năng lực đó phải kinh qua quá trình thi công các công trình, nghĩa là có quy mô tương đương, hoặc có thể nhỏ hơn nhưng không được quá chênh lệch. Ví dụ như một nhà thầu mới làm một công trình 10 tầng mà đã nhảy lên làm công trình 20 - 30 tầng thì rất khó, nhưng đã làm những công trình 20 - 30 tầng thì khi làm công trình 40 tầng trở lên lại rất dễ.

“Yếu tố con người vẫn là trên hết. Cái làm nên sự khác biệt của đội ngũ này với đội ngũ khác, đó chính là văn hóa của doanh nghiệp. Nếu nói nhờ hệ thống quản lý tốt nên mới có những con người xuất sắc về với mình thì cũng không sai. Nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ, vì còn tùy thuộc vào những người được giao nhiệm vụ điều hành và quản lý như CEO, ban giám đốc”, ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một lãnh đạo của Coteccons cho hay, việc Coteccons thắng thầu hàng loạt dự án lớn là kết quả của hành trình 15 năm xây dựng thương hiệu, uy tín của Ban lãnh đạo cùng sự nhiệt tình, nỗ lực không ngại khó, ngại khổ của tập thể cán bộ nhân viên Công ty. Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của thị trường, Coteccons phải luôn cải tiến phương thức tổ chức và quản lý, điều hành theo hướng chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc hình thành hệ sinh thái Coteccons gồm các công ty thành viên và công ty vệ tinh đã giúp cung cấp dịch vụ đồng bộ, khép kín trong lĩnh vực xây dựng.

Hiện nay, không chỉ Coteccons, Hòa Bình, mà nhiều nhà thầu tên tuổi khác trong ngành xây dựng Việt Nam đã tiên phong trong việc áp dụng BIM - một xu hướng công nghệ mới trong ngành xây dựng thế giới. Trong những năm tới, các doanh nghiệp này sẽ tập trung vào phát triển đội ngũ, cải tiến tổ chức, nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ mới, giải pháp thi công hiện đại sẽ được đẩy mạnh sâu rộng hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thi công các dự án quy mô lớn có độ khó về kỹ - mỹ thuật.

Điều khiến nhiều nhà thầu Việt trăn trở nhất là thị trường nước ngoài, với quy mô lên đến hàng chục ngàn tỷ USD dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, trên thực tế, ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ở thị trường nhiều nước. Ngành xây dựng Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng vượt bậc khi xuất khẩu ra nước ngoài. Sự tăng trưởng này sẽ đem về cho quốc gia một nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Đây là một mục tiêu mà ngành xây dựng cần hướng đến.

Chuyên đề