Nhà thầu Việt có gì để cạnh tranh trong TPP?

(BĐT) - Việc Việt Nam tham gia vào các khu vực tự do thương mại làm gia tăng cơ hội “lấn sân” của các nhà thầu ngoại. Các nhà thầu nội thuộc lĩnh vực xây dựng sẽ “so găng” ra sao trên “sân nhà”?
Sự thiếu đoàn kết giữa các nhà thầu đang làm suy yếu sức mạnh của nhà thầu nội. Ảnh: LTT
Sự thiếu đoàn kết giữa các nhà thầu đang làm suy yếu sức mạnh của nhà thầu nội. Ảnh: LTT

Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về năng lực của các nhà thầu xây dựng “nội” hiện nay?

Tôi cho rằng DN Việt Nam không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong những năm gần đây. Nhiều DN đã áp dụng những công nghệ mới, thi công các công trình có mức độ phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao. Không ít nhà thầu đã tham gia vào các dự án của nhà đầu tư nước ngoài có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiến độ. Hiện có những nhà thầu chỉ tập trung vào phân khúc dự án có vốn ngoài ngân sách và vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Đối với các gói thầu nhà thầu nước ngoài trúng thầu (chủ yếu là các gói thầu có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp) thì hầu hết do các nhà thầu trong nước thi công là chính. Họ chỉ đưa cán bộ quản lý vào Việt Nam và một số thiết bị phục vụ công nghệ thực sự khó. Về cơ bản, việc thi công các dự án vẫn do người Việt thực hiện.

Tuy nhiên, số nhà thầu như trên chưa phải nhiều, chỉ tập trung vào TOP 5 DN. Còn lại, phần lớn các DN, nhà thầu Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính chưa mạnh. Khi triển khai dự án, các nhà thầu đều phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao mà trong giá dự toán và giá gói thầu không được tính đến. Điều này lại đặc biệt khó khăn khi nhà thầu bị chậm thanh toán hay tình trạng nợ đọng đang khá phổ biến trong hoạt động xây dựng cơ bản (XDCB) ở nước ta hiện nay.

Một vấn đề nữa cũng phải nói đó là do không đủ năng lực về vốn, nhà thầu “nội” không có đủ năng lực để đảm đương vai trò tổng thầu EPC, do những gói thầu này cần nguồn vốn rất lớn. Ví dụ, như yêu cầu về năng lực tài chính đối với các dự án công nghiệp dầu khí, điện (là các hợp đồng EPC có giá trị rất cao), hình thức thanh toán theo mốc công việc hoàn thành, nên đòi hỏi nhà thầu phải có năng lực tài chính triển khai trước các công việc…

Nhà thầu Việt có gì để cạnh tranh trong TPP? ảnh 1
Ông Dương Văn Cận
Theo ông, đâu là cái yếu của các DN thầu xây dựng hiện nay?

Ngoài hạn chế về vốn như tôi đã nói ở trên, cái yếu đối với nhà thầu xây dựng là công tác tổ chức quản lý và tổ chức thi công trên công trường xây dựng. Hiện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đang tổ chức triển khai các hội thảo để học tập kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thi công tại công trình từ một số nhà thầu mạnh như Conteccons, Hòa Bình hay DELTA và nhận được sự tham gia đông đảo của các hội viên.

Cái yếu thứ hai là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động đấu thầu. Sự thiếu đoàn kết giữa các DN, nhà thầu làm suy yếu sức mạnh của chính bản thân họ. Đơn cử, nhiều trường hợp các chủ đầu tư thường xuyên yếu kém về vốn hay đưa ra điều kiện bất hợp lý và ép về giá, nếu đoàn kết thì các nhà thầu có thể “tẩy chay” chủ đầu tư, nhằm xóa bỏ các đòi hỏi phi lý và để có một chủ đầu tư “lành mạnh”. Tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu đây đó vẫn xuất hiện và thực sự là vấn đề nan giải cần phải sớm tìm ra cơ chế khắc phục. Các quy định pháp luật, chế tài hiện hành đang chưa thật công bằng còn nặng nhắm vào chế định các nhà thầu. Tôi cho rằng, cần quy định rõ hơn, mạnh hơn nữa chế tài trách nhiệm của các chủ đầu tư nhằm hạn chế tình trạng này. 

Nhà thầu ngoại hiện chiếm bao nhiêu thị phần tại Việt Nam và khả năng trong thời gian tới như thế nào khi Việt Nam thực thi các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP, thưa ông?

Chưa có thống kê chính xác, nhưng tôi ước tính thị phần của nhà thầu ngoại đang vào khoảng 15 - 20%,  chủ yếu tập trung vào các công trình có sử dụng vốn tài trợ và đầu tư nước ngoài. Đây cũng là những công trình phần lớn đòi hỏi kỹ thuật cao, tiến độ và an toàn trong thi công lớn. Đơn cử như các tuyến đường sắt trên cao, các công trình hầm đường bộ, các cây cầu được xây dựng trên nền đất phức tạp, các công trình ngành điện. Thời gian tới, chắc chắn thị phần của các DN, nhà thầu ngoại sẽ tăng lên cùng với sự thâm nhập của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng muốn làm với nhà thầu Việt nhằm giảm chi phí đầu tư do giá thuê nhà thầu nội rẻ hơn. Vấn đề là các chủ đầu tư nước ngoài liệu có đủ thông tin biết đến năng lực của nhà thầu Việt và năng lực của nhà thầu Việt có thể đảm đương được các công việc gì? Do đó, các nhà thầu Việt cần nâng cao uy tín, năng lực, có chiến lược xây dựng, bảo vệ thương hiệu rõ ràng. Hiện tại, những tên tuổi lớn như Delta, Coteccons, Hòa Bình hay Vinaconex là các nhà thầu Việt có uy tín và tôi hi vọng các DN này sẽ tạo sự lan tỏa đến các nhà thầu Việt.

Hiệp hội có chiến lược và kế hoạch gì giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các hội viên là DN, nhà thầu?

Trong hoạt động của nhiệm kỳ IV (2016 - 2020), Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam có những định hướng với sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp, nhà thầu mạnh. Chúng tôi không đặt nặng việc tham gia của các DN nhà nước, mà hướng tập trung vào phát triển hơn các DN ngoài nhà nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa và DN ở địa phương. Các DN thành viên của Hiệp hội sẽ có nhóm nhà thầu mạnh đóng vai trò “anh cả” có thể hỗ trợ, giúp các nhà thầu nhỏ, nhà thầu địa phương cùng phát triển.

Ngoài việc tổ chức gọn nhẹ Ban Chấp hành, Hiệp hội thành lập 4 ban chuyên môn (Ban Công nghệ và Kỹ thuật mới; Ban Đối ngoại, đào tạo; Ban Chính sách, pháp lý và Ban Tài chính) với vai trò hỗ trợ trực tiếp các nhà thầu. Bên cạnh đó, Hiệp hội là đầu mối để thúc đẩy sự cọ xát, học hỏi giữa các hội viên, bởi như tôi nói ở trên, hiện Việt Nam cũng có nhiều nhà thầu tiếp cận được trình độ, uy tín quốc tế.

Với phương thức hoạt động mới, chúng tôi kỳ vọng trong thời gian ngắn, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam sẽ thực sự là ngôi nhà chung của các nhà thầu xây dựng.         

Chuyên đề

Kết nối đầu tư