Nhà thầu mong được tính đúng, tính đủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nhà thầu khu vực phía Nam đang gặp vướng mắc về đơn giá, định mức trong thực tiễn thi công các dự án xây dựng hạ tầng. Những bất cập không những bào mòn sức lực nhà thầu mà còn khiến nhiều chủ đầu tư gặp trở ngại trong lựa chọn nhà thầu và triển khai các dự án đầu tư công.
Bất cập về giá cát nền khiến nhà thầu thua lỗ nặng khi thực hiện các hợp đồng xây lắp theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định. Ảnh: Lê Tiên
Bất cập về giá cát nền khiến nhà thầu thua lỗ nặng khi thực hiện các hợp đồng xây lắp theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định. Ảnh: Lê Tiên

Hoạt động trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông tại TP. HCM và các địa phương lân cận, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thi công xây dựng cầu đường Hồng An đang tham gia thi công nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn như: Vành đai 3 - TP.HCM; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50… Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Công ty cho biết, thực tiễn thi công bộc lộ rõ những tồn tại, bất cập về đơn giá, định mức, rất cần gỡ vướng. Đơn cử, nhiều công trình phải thi công trong điều kiện chật hẹp, khó khăn, vừa làm vừa phải bảo đảm giao thông thông suốt, nhà thầu hao phí nhân công ca máy lớn, thường gấp 2 lần hao phí định mức thông thường. Tuy nhiên, quy định về định mức hiện hành không tách riêng định mức thi công trong điều kiện khó khăn, chật hẹp. Đây là một thiệt thòi cho nhà thầu.

Một bất cập khác là ở các công trình nhỏ có nhiều hạng mục khối lượng rất nhỏ, dưới 1 đơn vị tính. Ví dụ khối lượng 0,1 m3 bê tông, 0,3 m3 cát… Tuy khối lượng nhỏ nhưng để thực hiện được, nhà thầu vẫn phải huy động đầy đủ nhân sự, thiết bị thi công mới thực thi được, nhưng không được thanh toán đúng thực tiễn huy động. Từ thực tế trên, ông Hiệp đề xuất, Bộ Xây dựng cần ban hành hệ số lớn hơn 1 để áp dụng cho các công trình thi công trong điều kiện khó khăn, phức tạp. Ngoài ra, trong định mức vận chuyển vật liệu từ mỏ về công trình, xe vận chuyển phải đi từ mỏ đến công trường, rồi phải quay về mỏ để tiếp tục lấy vật liệu. Trên quá trình di chuyển này hiện chưa có cơ sở tính phí qua các trạm thu phí, dẫn đến việc tính giá vận chuyển không được chính xác. Từ bất cập này, ông Hiệp đề xuất Bộ Xây dựng sớm bổ sung vào phần thuyết minh, cho phép áp dụng định mức dự toán xây dựng cho phần vận chuyển bao gồm 2 lượt xe đi và về.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trường Phát (tỉnh Kiên Giang) Vương Đức Trường chia sẻ, nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng tại đây đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các nhà thầu vừa và nhỏ. Dễ thấy nhất là bất cập về giá cát đắp nền. Theo ông Trường, mấy năm qua, cát đắp nền không chỉ khan hiếm, mà giá bán bị đội lên rất cao. Trong khi giá niêm yết khoảng hơn 70.000 đồng/m3 thì giá bán thực tế tại các mỏ lên tới 120.000 đồng/m3, ở thời điểm hiện nay còn cao hơn nữa. “Nhiều địa phương căn cứ vào giá cát niêm yết để công bố giá và chỉ số giá xây dựng làm căn cứ lập dự toán, thanh toán nên các nhà thầu xây lắp phải gồng mình chịu lỗ ngay từ chi phí mua cát đắp nền. Tỷ trọng chi phí cát nền cấu thành trong công trình giao thông từ 15 đến 20%, nên nhà thầu càng làm công trình lớn càng lỗ lớn”, ông Trường nói.

Tại Đồng Tháp, hệ số lèn chặt (từ khối tơi sang khối chặt) của cấp phối đá dăm đối với các loại đá, cát đắp nền trung bình là 1,42. Tuy nhiên, trong định mức hiện hành, hệ số này được quy định là 1,34 đối với đá dăm và 1,22 đối với cát. Do đó, nhiều nhà thầu mong muốn Bộ Xây dựng khảo sát thực tiễn và ban hành mới định mức thi công cấp phối đá dăm, cát đắp nền cho khu vực miền Nam để điều chỉnh hệ số lèn chặt.

Cũng theo ông Trường, bất cập giá cát khiến các nhà thầu thua lỗ nặng khi thực hiện các hợp đồng xây lắp theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định. Nhà thầu có 2 loại hợp đồng này chỉ có cách hoặc bỏ ngang, không thực hiện, chấp nhận bị thu hồi bảo lãnh, bị phạt hợp đồng và ảnh hưởng uy tín; hoặc chấp nhận làm, chấp nhận lỗ vốn.

Từ phía chủ đầu tư, quản lý dự án, ông Trần Văn Nơi, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất TP. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, không chỉ nhà thầu gặp khó mà chủ đầu tư cũng gặp khó. Tại Đồng Tháp, hệ số lèn chặt (từ khối tơi sang khối chặt) của cấp phối đá dăm đối với các loại đá, cát đắp nền trung bình là 1,42. Tuy nhiên, trong định mức hiện hành, hệ số này được quy định là 1,34 đối với đá dăm và 1,22 đối với cát. Do đó, nhiều nhà thầu mong muốn Bộ Xây dựng khảo sát thực tiễn và ban hành mới định mức thi công cấp phối đá dăm, cát đắp nền cho khu vực miền Nam để điều chỉnh hệ số lèn chặt. Ông Nơi phân tích thêm: “Hệ số này áp dụng lâu lắm rồi. Chưa kể, trước đây tại tỉnh Đồng Tháp cát san lấp đẹp, không tạp chất, còn hiện nay ngoài khan hiếm, cát đắp nền lẫn nhiều bùn, tạp chất, nên dự toán áp dụng hệ số hiện hành (hệ số 1,22) là bất hợp lý. Nhà thầu kêu bất cập quá và chủ đầu tư cũng nhận thấy bất cập nhưng nếu pháp lý không thay đổi thì chúng tôi không thể làm khác.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về định mức, đơn giá xây dựng. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm phù hợp với thực tế và khả thi. Thủ tướng yêu cầu các địa phương kịp thời công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng bảo đảm đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật; chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, triển khai ban hành định mức đặc thù tại địa phương.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, nhiều nhà thầu tại các tỉnh phía Nam đang rất hy vọng cơ quan chức năng và các địa phương sẽ sớm gỡ vướng mắc về đơn giá, định mức theo như công điện của Thủ tướng, giúp nhà thầu được tính đúng, tính đủ, bao quát hết thực tiễn chi phí trong thi công các công trình.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư