Nhà thầu chật vật với vòng xoáy nợ đọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, thị trường xây dựng đang rơi vào tình trạng nợ vòng quanh, chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu nợ nhà cung cấp vật liệu… Tình trạng này đang khiến cho toàn bộ thị trường như mớ bòng bong, chưa có lối ra. Có gói thầu nợ đọng gần 20% vẫn chưa được thanh toán sau 7 năm công trình đưa vào sử dụng.
Các mâu thuẫn, tranh chấp giữa nhà thầu với chủ đầu tư chủ yếu liên quan đến công tác thanh toán, từ đó dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài. Ảnh: Lê Tiên
Các mâu thuẫn, tranh chấp giữa nhà thầu với chủ đầu tư chủ yếu liên quan đến công tác thanh toán, từ đó dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài. Ảnh: Lê Tiên

Bất cân xứng trách nhiệm

Theo chia sẻ của nhiều nhà thầu, họ vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết, nhưng khó đạt được thỏa thuận, vì thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng.

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật công trình Việt Nam (2T Corporation) cho biết, hầu hết nhà thầu đều có các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu. Nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí giải thể, phá sản.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng lớn như vậy, theo đại diện VACC, là do hành lang pháp lý không rõ ràng, có nhiều lỗ hổng. Nhà thầu phải thực hiện 4 lần bảo lãnh rất chặt chẽ kể từ khi dự thầu cho đến khi thực hiện gói thầu (dự thầu, thực hiện hợp đồng, thanh toán và tạm ứng), trong khi pháp luật hiện không có một chế tài nào với chủ đầu tư nếu như không có vốn thanh toán cho nhà thầu.

Ngay cả khi trường hợp chủ đầu tư có phát hành bảo lãnh thanh toán, ông Minh cho biết, nội dung bảo lãnh luôn chỉ là: “Ngân hàng sẽ chi trả khi chủ đầu tư không trả được khoản thanh toán/món nợ”. Tuy nhiên, để hình thành món nợ và chủ đầu tư thừa nhận món nợ, thì phải có biên bản quyết toán, tức phải có nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Đối với các chủ đầu tư cố ý trì hoãn nghiệm thu, trì hoãn quyết toán thì nhà thầu không thể yêu cầu ngân hàng chi trả, thậm chí khó được tòa án chấp thuận thụ lý vụ án, nếu kiện ra tòa.

Tranh chấp trong hoạt động xây dựng, theo một số nhà thầu, nhiều khi là do ý đồ không sòng phẳng của chủ đầu tư. Nhiều nhà thầu xảy ra các mẫu thuẫn, phát sinh tranh chấp với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, giá thành… trong đó chủ yếu liên quan đến công tác thanh toán, từ đó dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài.

“Nhiều dự án (được hình thành từ tài sản của nhà thầu) đã được chủ đầu tư bán hết sản phẩm, thu đủ tiền, thậm chí lãi lớn, lấy tiền đi đầu tư dự án khác, nhưng vẫn không trả tiền cho nhà thầu”, ông Lê Hồng Minh chia sẻ.

Pháp luật hiện chưa có chế tài để ràng buộc trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Pháp luật hiện chưa có chế tài để ràng buộc trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Cần cơ chế bảo lãnh thanh toán ngang bằng

Để tránh tình trạng nợ đọng kéo dài, khiến doanh nghiệp “chết chùm” như hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp cho các nhà thầu xây dựng phát triển một cách lành mạnh, an toàn.

Trước tiên cần phải xây dựng văn hóa ngang bằng giữa các chủ thể hợp đồng, loại bỏ tư duy chủ đầu tư “cao hơn”, là “bề trên” nhà thầu. Đồng thời, phải sửa đổi bổ sung biểu mẫu hợp đồng theo hướng bổ sung trách nhiệm thanh toán, bảo lãnh thanh toán ngang bằng giữa nhà thầu - chủ đầu tư; bổ sung điều khoản bảo đảm sự tuân thủ hợp đồng của các chủ đầu tư trước khi cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Trong trường hợp dự án có các hạng mục công việc mà khối lượng phát sinh tăng 20% so với khối lượng hợp đồng (đơn giá phải lập lại mới) và khối lượng công việc phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng, thay vì yêu cầu giữ lại từ 2 - 5% giá trị hợp đồng để chờ quyết toán, ông Khương Tất Thắng đề nghị, có thể quy định trong hợp đồng tỷ lệ tạm ứng và thanh toán nhất định đối với các hạng mục phát sinh này.

Ngoài các quy định về quá trình triển khai, nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng (tại Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP), đại diện 2T Corporation khuyến nghị, cần bổ sung thêm “Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình giữa chủ đầu tư (bên giao thầu) và nhà thầu”. Để tăng cường chế tài với chủ đầu tư (bên giao thầu), cần bổ sung điều khoản thanh toán: “Bên giao thầu phải phát hành bảo lãnh thanh toán (do ngân hàng phát hành) có nội dung: Tổ chức bảo lãnh/ngân hàng chi trả toàn bộ số tiền, tương ứng với giá trị vật tư, vật liệu, thiết bị... nhà thầu đã đưa vào công trường căn cứ hồ sơ nhập vật tư, thiết bị vào công trường”.

Về lâu dài, ông Hoàng Thiệu Bảo, Phó giám đốc Ban Xây dựng của Tổng công ty CP Vinaconex cho rằng, để phòng ngừa các rủi ro tranh chấp hợp đồng, cần phải nâng cao chất lượng soạn thảo hợp đồng, cố gắng lường hết các phát sinh, tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng, sử dụng các từ ngữ rõ ràng, đơn nghĩa để tránh các bên lợi dụng phạt vi phạm hợp đồng. Quản lý chặt việc thực hiện hợp đồng trong quá trình thi công như: yêu cầu ký đầy đủ biên bản nghiệm thu công việc, nghiệm thu hạng mục công trình… để có căn cứ củng cố hồ sơ chứng minh vi phạm khi xảy ra tranh chấp.

Theo một chuyên gia, trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng đến giải pháp cuối cùng là tố tụng, nhà thầu phải thu thập được những chứng cứ xác thực, chắc chắn và lưu ý đến thời điểm còn hiệu lực tố tụng. Thực tế để có được những luận cứ có sức nặng thì nhà thầu cần xây dựng và hoàn thiện quy trình hành động/khiếu nại nhằm giảm thiệt hại, bảo đảm quyền lợi của các bên và thuận lợi cho việc đề xuất, giải quyết các vướng mắc.

Theo ông Nguyễn Bắc Thủy, Trưởng Phòng Kinh tế đầu tư và hợp đồng xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, bối cảnh của nhà thầu Việt Nam hiện nay khá tương đồng với tình trạng các nhà thầu tại Vương quốc Anh trước đây. Khi nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn, Chính phủ nước này đã cho phép chủ đầu tư thanh toán trực tiếp cho nhà thầu phụ để tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, nhà thầu chính xử ép nhà thầu phụ; Chính phủ cho phép nhà thầu phụ có thể khởi kiện chủ đầu tư chậm thanh toán ra tòa. Đây có thể là biện pháp đáng tham khảo cho nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Chuyên đề