Các bị cáo tại tòa sáng 28-3 - Ảnh: Hoàng Điệp |
Ngày 28-3, HĐXX TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện Bưu điện TP.HCM.
Ba bị cáo gồm: Trương Anh Kiệt (57 tuổi, nguyên giám đốc); Phạm Văn Sửu (51 tuổi, nguyên trưởng phòng tài chính kế hoạch) và Trương Bích Nguyệt (55 tuổi, nguyên trưởng phòng kế toán tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP.HCM) bị xét xử về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam 27,8 tỷ đồng.
Nâng khống 13.000 hồ sơ bệnh án
Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP.HCM thuộc tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), có chức năng khám, chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng cho nhân viên thuộc tập đoàn trên 32 tỉnh thành phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).
Bệnh viện là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, tự chủ về tài chính, nguồn thu chủ yếu là tiền khám chữa bệnh.
Ngoài nguồn thu trên, hằng năm VNPT còn cấp kinh phí khám chữa bệnh cho cán bộ trong tập đoàn (trong đó có tiền điều dưỡng và tiền ăn).
Trên cơ sở số tiền thu được và được cấp, bệnh viện sẽ tính toán để trả cho các cán bộ công nhân viên và chi các khoản cơ sở vật chất, thuốc men khác.
Nguyên giám đốc Trương Anh Kiệt đã chỉ đạo các phòng, khoa khám chữa bệnh, trong đó có Trương Bích Nguyệt, Phạm Văn Sửu làm trái vì động cơ vụ lợi tập thể, lập khống 13.077 hồ sơ bệnh án điều trị nội trú để quyết toán khống 22 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ tiền ăn và tiền phục vụ cho hoạt động điều dưỡng, điều trị nội trú là 5,7 tỷ đồng.
Tổng số tiền đã quyết toán khống với VNPT gây thiệt hại cho nhà nước là 27,8 tỷ đồng.
Nguyên đơn dân sự trong vụ án này là VNPT bị thiệt hại 27,8 tỷ đồng. Đến nay, VNPT đã thu hồi lại được 24 tỷ đồng. Tại tòa, các bị cáo khai đã khắc phục gần hết, chỉ còn lại 400 triệu đồng.
Theo đó, quá trình chỉ đạo điều hành, thấy hoạt động của bệnh viện khó khăn, Trương Anh Kiệt đã có chủ trương tạo nguồn riêng sử dụng chung cho bệnh viện.
Để thực hiện mục đích trên, ông Kiệt đã thống nhất chỉ đạo các khoa, phòng khám nâng khống số bệnh nhân và thời gian điều trị, lập hồ khống nhằm quyết toán tiền được tập đoàn hỗ trợ. Số tiền được quyết toán khống sẽ chi chung cho hoạt động của bệnh viện.
Cùng làm sai, cùng hưởng lợi
Theo kết quả điều tra, việc nâng khống hồ sơ điều dưỡng, khám chữa bệnh của bệnh viện Bưu điện TP.HCM diễn ra từ năm 2009 đến hết năm 2011.
Theo lời khai của bị cáo Trương Anh Kiệt, ông này trực tiếp chỉ đạo trưởng phòng kế toán tổng hợp và trưởng phòng kế toán tài chính để thống nhất lập hồ sơ nâng khống ngày điều trị, điều dưỡng nội trú để quyết toán rút tiền của tập đoàn.
Hình thức chỉ đạo bằng cách ký quyết định giao chỉ tiêu khám chữa bệnh hằng năm và phổ biến trong các cuộc họp giao ban.
Bị cáo Kiệt thừa nhận trong 3 năm đã chỉ đạo lập khống các hồ sơ này để lấy tiền chi cho hoạt động chung của bệnh viện. Cá nhân bị cáo Kiệt chiếm hưởng 112 triệu đồng.
Bị cáo Trương Bích Nguyệt thực hiện chỉ đạo của Kiệt và không tuân thủ pháp luật về kế toán, chiếm hưởng 73 triệu đồng. Bị cáo Phạm Văn Sửu chiếm đoạt 72 triệu đồng.
Ngoài ra, hàng loạt những cá nhân khác liên quan như phó giám đốc bệnh viện, trưởng phòng hành chính quản trị, trưởng các khoa, phòng chuyên môn đều biết rõ việc làm sai trái trên nhưng vẫn thực hiện và mỗi người đều nhận số tiền chiếm hưởng tăng thêm tùy theo vị trí công việc.
Trong đó, phó giám đốc Phạm Tuấn Khoa, trên cơ sở số liệu chỉ tiêu chuyên môn đã ký giao và lập khống dẫn đến quyết toán khống số tiền 8,7 tỷ đồng, cá nhân ông Khoa được hưởng lợi hơn 80 triệu.
Tuy nhiên, ông Khoa không bị xem xét trách nhiệm bởi cơ quan điều tra cho rằng sai phạm của ông Khoa không phải là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.
Hành vi của Trương Anh Kiệt, Phạm Văn Sửu, Trương Bích Nguyệt đã phạm vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó Trương Anh Kiệt giữ vai trò chủ mưu, Phạm Văn Sửu và Trương Bích Nguyệt phạm tội với vai trò đồng phạm.