Việc thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản buộc nhiều doanh nghiệp phải tìm đến kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Ảnh: Tiên Giang |
Một nhóm công ty địa ốc như Bất động sản Hoa Anh Đào; Bất động sản Hoa Phượng; Bất động sản Lan Việt và Bất động sản Nova Lexington báo lỗ liêu xiêu dù trước đó huy động lượng vốn “khủng” từ kênh TPDN.
Cụ thể, tại kỳ báo cáo tính đến hết 30/6/2019, Bất động sản Hoa Anh Đào báo lỗ 28,47 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty này là gần 71 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 9,12 lần. Bất động sản Hoa Phượng báo lỗ 27,54 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu chỉ 55,64 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 16,19 lần. Bất động sản Lan Việt cũng báo lỗ hơn 21 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 128 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 5 lần). Bất động sản Nova Lexington cũng báo lỗ tới 154 tỷ đồng, (vốn chủ sở hữu là 267,56 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là gần 11 lần).
Trong khi đó, dù không báo lỗ, nhưng Công ty CP Dịch vụ NewCo cũng có kết quả kinh doanh kém khả quan khi lãi vỏn vẹn 180 triệu đồng trên vốn chủ sở hữu 1.575 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 3,8 lần.
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2018, cả ba công ty Bất động sản Hoa Anh Đào; Bất động sản Hoa Phượng; Bất động sản Lan Việt huy động thành công 1.398 tỷ đồng TPDN (mỗi doanh nghiệp thu về 466 tỷ đồng). Trong khi đó, Bất động sản Nova Lexington huy động thành công 2.387 tỷ đồng TPDN vào ngày 17/10/2017.
Còn Công ty CP Dịch vụ NewCo có kế hoạch huy động 6.000 tỷ đồng qua hình thức trái phiếu với tài sản bảo đảm chính là một phần siêu dự án Grand World tại Phú Quốc mà Công ty tham gia kinh doanh nhưng không thành công. Hồi tháng 5, công ty này công bố phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu cho Techcombank với lãi suất kỳ đầu tiên là 10,35%.
Việc kinh doanh thua lỗ hoặc hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp đặt ra câu hỏi về khả năng thanh toán lãi và gốc trái phiếu khi đến hạn cho trái chủ mà ở đây chủ yếu là các ngân hàng.
Thời gian qua xuất hiện làn sóng phát hành trái phiếu rầm rộ của các doanh nghiệp bất động sản. Với việc thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp phải tìm đến kênh huy động vốn khác, trong đó có phát hành TPDN. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã và đang phải đẩy mạnh huy động qua TPDN với mức lãi suất thậm chí ở mức 14%/năm. Việc ồ ạt huy động vốn cùng với mức lãi suất cao ngất ngưởng gây nhiều lo ngại.
Từ thực trạng trên, việc hạn chế hoặc áp điều kiện chặt hơn trong phát hành TPDN tại lĩnh vực bất động sản đã được cơ quan quản lý cấp cao đặt ra. Phát biểu tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc phát triển thị trường TPDN là tất yếu và phải thúc đẩy thị trường này để giảm phụ thuộc vào kênh vốn ngân hàng. Nhưng nếu có bất thường, thiếu minh bạch hoặc thiếu an toàn thì phải chấn chỉnh. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan lưu ý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành TPDN khi đây không phải là kênh cần khuyến khích hiện nay.