Nguy cấp “sức khỏe” nhà thầu xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơ hội việc làm thu hẹp, nợ đọng xây dựng nhức nhối, dòng tiền ngưng trệ, khó tiếp cận tín dụng… là loạt khó khăn đang bủa vây nhiều nhà thầu xây dựng. Cùng với đó, chi phí leo thang, hao mòn “sức khỏe” tài chính khiến không ít doanh nghiệp buộc lòng cắt bỏ nhân sự và chấp nhận hệ lụy suy giảm hồ sơ năng lực trong tương lai.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, khu vực xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Nửa đầu năm 2023, ngành xây dựng tăng 4,74%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,07%, 2,54% và 4,19% của cùng kỳ các năm 2011, 2012, 2022 trong giai đoạn 2011 - 2023. Cũng trong 6 tháng vừa qua, có 683 doanh nghiệp xây dựng phải giải thể.

Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng N.H tại Quận 7, TP.HCM cho biết, doanh nghiệp từng đảm nhiệm nhiều công trình xây dựng lớn trong lĩnh vực y tế, giáo dục với quy mô doanh thu xây lắp hàng năm cả nghìn tỷ đồng. Thời điểm kinh doanh thuận lợi, Công ty có tới vài chục tổ, đội xây dựng với hàng trăm kỹ sư, công nhân kỹ thuật thường xuyên bám trụ tại nhiều công trình lớn. Tuy nhiên, hệ lụy của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, giá cả vật liệu xây dựng biến động mạnh, thị trường bất động sản ngưng trệ đã khiến ngành xây dựng gặp vô vàn khó khăn. Trong 3 năm gần đây, cơ hội việc làm trong ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp ít hơn nhiều. Để cầm cự qua giai đoạn khốn khó hiện nay, Công ty N.H một mặt tích cực thu hồi nợ đọng xây dựng, mặt khác buộc phải cho hàng trăm nhân công nghỉ việc, chỉ duy trì bộ khung chủ chốt. Doanh thu xây lắp của Công ty giảm sâu 2 năm liền, năng lực bị bào mòn, khó có thể cạnh tranh khi thị trường hồi phục trở lại.

Cùng chung cảnh ngộ, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại B.D (tại TP. Thủ Đức, TP.HCM) cũng phải cắt bớt nhân sự, bán máy móc thiết bị vì công việc thu hẹp. Giám đốc Công ty B.D cho biết, thời kỳ cao điểm, doanh nghiệp này có tới 680 nhân viên, đa phần là kỹ sư, công nhân kỹ thuật; doanh thu hàng năm trên nghìn tỷ đồng. Nói về khó khăn hiện tại, ông lo lắng nhất là câu chuyện dòng tiền. “Hợp đồng xây lắp nhà xưởng, khu công nghiệp từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài giảm mạnh, thị trường bất động sản ngưng trệ. Nợ đọng xây dựng lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng không thể thu hồi khiến tình hình càng trở nên bức bối”, ông nói và cho biết, việc tiếp cận tín dụng để thực hiện các gói thầu mới cũng khó khăn, chi phí lãi cao hơn, trong khi biên lợi nhuận thấp.

Khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận hàng chục nhà thầu xây dựng tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Thuận đang gặp những khó khăn tương tự. Thực tế, không ít nhà thầu vì ảnh hưởng dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế khiến năng lực bị bào mòn và mất khả năng thực hiện các gói thầu xây lắp đang đảm trách.

Ví dụ, Công ty CP Đầu tư xây dựng 493 bị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) tỉnh Đồng Nai cắt hợp đồng thi công 4 công trình hạ tầng xã hội tại Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Gia Mỹ bị Ban QLDA và Phát triển quỹ đất quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) chấm dứt hợp đồng Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến từ Đình Tân Đông đến ngã ba bến đò Bà Góa…

Dưới góc độ chủ đầu tư, ông Hồ Vĩnh Quan, Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp nhận xét, thời gian gần đây, một số gói thầu giao thông chậm tiến độ do nhà thầu bị suy giảm năng lực. Một số nhà thầu tư vấn và xây lắp có sự thay đổi nhân sự (nhân sự nghỉ việc) trong quá trình thực hiện hợp đồng làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ dự án. Rất nhiều nhà thầu xây lắp gặp khó khăn về tài chính. Hồ sơ năng lực nhà thầu bị bào mòn suốt 2 năm qua nên việc huy động vốn để thực hiện gói thầu cũng bị ảnh hưởng. Tại nhiều thời điểm, dù chủ đầu tư đôn đốc rất “rát” nhưng do suy giảm năng lực, nhà thầu cũng “lực bất tòng tâm”.

Mới đây, vào đầu tháng 6/2023, tại Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) được tổ chức tại Đà Nẵng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC nhấn mạnh, ngành xây dựng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, một số nhà thầu cận kề bờ vực phá sản. Cũng tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Delta cho biết, trước đây doanh nghiệp có gần 10 nghìn lao động nhưng nay chỉ còn 6 - 7 nghìn người. Theo đánh giá của VACC, năng lực cạnh tranh của các nhà thầu trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng rất lớn và cần ngay các giải pháp hỗ trợ hữu ích từ các cơ quan hữu trách.

Chuyên đề