Quảng Yên nằm giữa 3 thành phố lớn,gồm: Hải Phòng - Uông Bí - Hạ Long. Ảnh: Internet |
Theo đó, mục tiêu sẽ xây dựng và phát triển Khu kinh tế Quảng Yên trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ và hậu cần cảng và đô thị hiện đại, thông minh; phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội hiện đại, đồng bộ để thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ và lao động trình độ cao, sản phẩm và dịch vụ cung cấp có năng lực cạnh tranh quốc tế; tạo mối liên kết phát triển với các trung tâm kinh tế khác của tỉnh và các tỉnh/thành phố năng động như Hà Nội, Hải Phòng.
Phát triển ngành, lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh học, công nghiệp phần mềm, công nghệ NANO, công nghiệp nghiên cứu tái tạo năng lượng, trung tâm nghiên cứu dược phẩm, trung tâm nghiên cứu phát triển…
Một trong những mục tiêu cụ thể của Khu kinh tế Quảng Yên là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 15%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030 và 8,5 - 9%/năm trong giai đoạn 2031 - 2035; đạt mức GRDP/người đến năm 2020 là 8 - 8,5 nghìn USD (tương đương mục tiêu của thị xã Quảng Yên là 8.350 USD), năm 2025 là 16 - 17 nghìn USD, năm 2030 là 29 - 30 nghìn USD (trên mức quy hoạch bình quân của thị xã đã được quy hoạch và năm 2015 là 48 - 49 nghìn USD).
Tạo việc làm cho khoảng 53 - 55 nghìn người vào năm 2030 và 60 - 62 nghìn người vào năm 2035; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động.
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh cũng dự kiến tổng mức đầu tư, các phương thức huy động vốn để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế. Theo đó, ước tính tổng nhu cầu đầu tư cho khu kinh tế này thời kỳ 2020 - 2035 là khoảng 160 - 161 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm 10 nghìn tỷ đồng (bình quân tương đương 35% giá trị gia tăng sản xuất trên địa bàn).
Nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản cho toàn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là 78 - 79 nghìn tỷ đồng trong cả giai đoạn 2020 - 2035 (trung bình khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng/năm).
Về phương thức huy động vốn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, thứ nhất, huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, dự kiến chiếm khoảng 15 - 20% (còn lại là các nguồn khác). Tỉnh Quảng Ninh cho rằng, vốn đầu tư cho hạ tầng khu kinh tế là rất lớn, do vậy sẽ phải đầu tư từng bước theo lộ trình thích hợp.
Tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cho phép phát hành trái phiếu địa phương để huy động vốn đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng quan trọng khác nhằm tạo bước khởi động cho khu kinh tế; vay nguồn vốn ưu đãi để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư theo quy hoạch.
Ưu tiên việc sử dụng các nguồn vốn ODA và vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cần thiết của Khu kinh tế Quảng Yên và các trợ giúp kỹ thuật khác.
Đồng thời, huy động vốn từ quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ chung cho Khu kinh tế Quảng Yên.
Bên cạnh đó, có thể xem xét việc huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các doanh nghiệp có chức năng xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật. Khuyến khích các thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp trong và ngoài nước bỏ vốn ra đầu tư tại Khu kinh tế Quảng Yên trong các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng và đô thị, phát triển công nghiệp, kinh doanh thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, du lịch, vận tải, bảo hiểm, vui chơi giải trí, đào tạo, y tế…
Quảng Ninh cũng tính đến việc mở rộng hình thức tín dụng đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng và huy động mọi nguồn vốn dưới các hình thức khác, theo quy định của pháp luật.