Nghìn năm rạng rỡ hiền tài Việt

(BĐT) - Tinh thần hiếu học như một mạch ngầm chảy mạnh mẽ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tạo ra lớp lớp nhân tài, trí thức, đưa đất nước vượt qua mọi biến động, thăng trầm để mãi mãi trường tồn, phồn vinh.
Tinh thần hiếu học, trọng người tài ngàn đời nay luôn được trân quý
Tinh thần hiếu học, trọng người tài ngàn đời nay luôn được trân quý

Từ lũy tre làng

Ham học là nét nổi bật được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trên nhiều ngôi làng ở mọi vùng quê Việt. Tinh thần hiếu học là động lực giúp nhiều sĩ tử dù gia cảnh bần hàn vẫn quyết tâm đèn sách. Nhiều người đã trở thành những vị trạng nguyên xuất sắc trong lịch sử với cái tâm trong sáng, một lòng cống hiến cho đất nước.

Trạng nguyên trẻ nhất lịch sử khoa cử Việt Nam Nguyễn Hiền đỗ trạng năm 13 tuổi (Khoa thi Đinh Mùi 1247). Cha mất sớm, chưa đến tuổi đi học nhưng với trí thông minh hiếm có, tài đối đáp hơn người, ông đã được suy tôn “Thần đồng xuất chúng”. Theo các nhà sử học đương thời, nhờ trí tuệ của Nguyễn Hiền mà Đại Việt hai lần tránh được nạn binh đao. Ông còn chủ trương mở mang nông nghiệp, điều hành đắp đê quai vạc sông Hồng, phát triển sản xuất nông nghiệp. Về quân sự, ông cho mở mang các xưởng rèn vũ khí, mở các võ đường để rèn quân luyện sĩ. Một trong các địa danh ấy chính là khu Giảng Võ (Hà Nội) bây giờ, là chứng tích một thời hào hùng luyện quân chống giặc.

Mạc Đĩnh Chi, Lưỡng quốc trạng nguyên, từ nhỏ mồ côi cha, nhà nghèo. Không có sách học thì mượn thầy mượn bạn. Bằng nỗ lực phi thường, khoa thi Giáp Thìn (1304), Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên. Năm 1308 đời vua Trần Anh Tông, Mạc Đĩnh Chi được cử đi sứ nhà Nguyên. Ông đã tỏ rõ khí phách và tài năng của mình, hiên ngang thể hiện ý chí anh hùng trước vua Nguyên Mông khi dùng câu “Nguyệt cung tinh đan, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (Trăng là cung, sao là đạn, chiều tới bắn rụng mặt trời) để đối lại câu “Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng) trước sân chầu ngoại bang.

Lương Thế Vinh, Trạng nguyên khoa Quý Mùi (1463) với tài ngoại giao được vua tin dùng, làm quan 32 năm. Đặc biệt, ông dạy cho người đương thời phép cửu chương, phép bình phương, toán đạc điền... Nhà bác học Lê Quý Đôn trân trọng ngợi ca ông “tài hoa danh vọng vượt bậc”.

Nhiều tài năng, trí thức khác như: Nguyễn Quan Quang dù nhà không đủ gạo tiền để theo học, nhưng ham học thường lân la ngoài cửa lớp nghe thầy dạy bọn học trò trong làng. Khi vua Trần Thái Tông mở khoa thi Đại tỉ Thủ sĩ năm 1246 (thời ấy chưa gọi là thi Đình), ông đỗ Trạng nguyên. Hay Hoàng Văn Tán gia cảnh nghèo nhưng đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ nhất danh Trạng nguyên khoa thi năm Quý Mùi (1523)…

Có làng nhiều gia đình, cha con, anh em và thầy trò đều cùng học và đi thi như khoa Bính Tuất (1886) có thầy là Nguyễn Như Bổng, trò Đặng Hữu Nữu; khoa thi Canh Tuất (1850) có cha là Đặng Viết Hòe và con là Đặng Xuân Bảng…

Theo 82 văn bia dựng ở Văn Miếu vinh danh những người đỗ đại khoa, từ niên hiệu Đại Bảo thứ 3, đời Lê Thái Tông, khoa Nhâm Tuất (1442) đến niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40, đời Lê Hiển Tông, khoa Kỷ Hợi (1779), đã có tới hơn một nghìn vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Không dừng lại ở đó, trên những văn chỉ và bia đá ở nhiều miền đất nước cũng như trong các giai thoại dân gian còn bóng dáng của rất nhiều anh tài khác. 

Ngoài việc để lại cho đời những áng văn chương trác tuyệt, những bậc hiền tài còn luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong những giai đoạn đất nước gặp gian khó, đóng góp lớn cho việc cải tiến lề lối, phong tục, đưa ra những ý tưởng canh tân thúc đẩy phát triển kinh tế - kỹ thuật. 

Nghiêm cẩn trong học và thi                                       

Dưới sự dạy dỗ của các thầy đồ, sĩ tử xưa từ khoảng 6 đến 10 tuổi đã bắt đầu được học sách:  Sơ học vấn tân, Tam tự kinh, Tứ tự kinh. Thầy đồ cũng dậy trò làm văn, câu đối; tìm hiểu những sách kinh điển của Nho giáo như Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Nam sử… Sự học hết sức nghiêm ngặt, khó khăn. Trò phải hiểu, nhớ nội dung các sách, quên một chữ thì tìm thầy để hỏi, trò hư đều bị phạt.

Truyền thống tôn sư trọng đạo rất được đề cao. Vào những dịp lễ tết, trò đều đến nhà tri ân thầy, đỗ đạt thì đến nhà thầy làm lễ tạ ơn, khi thầy mất trò chịu lễ tang như con với cha. Nhiều khi trò góp tiền cùng nhau mua “ruộng môn sinh”, lấy hoa lợi hàng năm để làm giỗ thầy. Nhiều làng, xã cũng dành cho việc học sự ưu ái, khuyến khích như “học điền” để trả tiền thầy dạy học trong làng, xây dựng văn chỉ học trò được miễn sưu sai, thuế dịch…

Quy chế, thể lệ và sự tổ chức các kỳ thi thời phong kiến cũng rất nghiêm ngặt. Mỗi khoa thi tại một trường thi có hàng nghìn người tham dự, chỉ lấy đỗ vài chục người. Khoa thi Bính Tuất (1886) có 7.691 người dự thi, lấy đỗ 74 cử nhân, 222 tú tài. Khoa Mậu Tý (1888), số sĩ tử dự thi trên 8.000 người, lấy đỗ 56 cử nhân, 168 tú tài…

Thi cử là biểu hiện rõ nét trình độ học vấn, khả năng ứng xử và cả thái độ chính trị. Bài luận của Thủ khoa Nguyễn Khuyến trong kỳ thi Đình năm 1871 có những câu: “Người bất tài thì bị truất giáng. Người tài giỏi thì được thăng thưởng. Quan trên, ai mà cất nhắc không xứng đáng, hoặc có người hiền tài mà không biết cất nhắc thì cũng tâu xin xử lý, phạt tội thích đáng. Làm như vậy thì người liêm chính có sự khuyến khích, người tham ô có sự răn đe, mà điều uất ức của dân cũng có thể thấu suốt lên trên vậy...”.

Trong khoa cử thời phong kiến, đề thi thường liên quan nhiều lĩnh vực như văn thơ, thiên văn, địa lý, y học, chính sự… Thi tứ trường nhưng phải học thiên kinh vạn quyển là thế. Có giai đoạn, kỳ thi Đình được tổ chức ngay tại sân điện, do đích thân vua ra đề, chấm thi. Quyển thi và quyển nháp đều do Bộ Lễ cấp, có rọc phách. Vua chấm thi cũng không biết bài đó của ai.

Đặc biệt, nếu để xảy ra gian lận trong kỳ thi thì những người tổ chức thi và sĩ tử vi phạm đều bị xử lý rất nặng. Khi đã vào trường thi, mọi sĩ tử đều bình đẳng như nhau. Thời Nguyễn, sĩ tử mang tài liệu vào thi sẽ bị gông cổ, phạt đánh 100 roi… 

Theo Đại Nam thực lục, năm 1841 thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Khi chấm và thấy một bài thi văn hay nhưng phạm húy, không muốn lỗi nhỏ mà đánh trượt người tài, ông đã cùng Phan Thời Nhạ chữa một số bài. Sự việc bại lộ, Cao Bá Quát khảng khái: “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì”. Án trình lên vua, Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị tội tử hình... Vua phán: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử...".

Đạo đức Thánh hiền, những điều chân chính của sự học luôn tồn tại và được ca tụng ngàn đời. Lịch sử đã ghi nhận và đánh giá khách quan những đóng góp của các bậc hiền tài. Những bài học về trọng dụng người tài và  phát huy cái sở học của họ vẫn còn giá trị đến tận ngày nay.

Chuyên đề