Nhiều doanh nghiệp ngành hóa chất, phân bón ghi nhận lãi trước thuế quý I/2022 tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Tiên Giang |
Đơn cử như ngành hóa chất, sau năm 2021 ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động, nhiều doanh nghiệp tiếp tục gây bất ngờ với kết quả kinh doanh quý đầu năm 2022.
Trong quý I/2022, Tổng công ty CP Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán: DPM) báo lãi trước thuế 2.522 tỷ đồng, gấp 11,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 66% mức lợi nhuận lịch sử Công ty đạt được trong năm 2021 là gần 3.800 tỷ đồng. Kết quả quý đầu năm của Đạm Phú Mỹ tương ứng mức thu nhập trên một cổ phần (EPS) đạt 5.391 đồng, còn EPS 12 tháng (tổng từ quý II/2021 - quý I/2022) là 12.708 đồng. Kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ nói riêng và ngành hóa chất nói chung hưởng lợi từ giá bán tăng cao kéo dài từ năm ngoái do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và căng thẳng Nga - Ukraine.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/5, cổ phiếu DPM ở mức giá 52.400 đồng, tương đương mức P/E 3,8 lần. Trước đó, cổ phiếu này đạt đỉnh 75.100 đồng vào ngày 19/4. Như vậy chỉ trong một tháng, thị giá cổ phiếu đã giảm 30%.
Cũng trong quý I/2022, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán: DCM) lãi trước thuế 1.606 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ năm ngoái và gần gấp đôi mức lợi nhuận 856 tỷ đồng năm 2014 - năm đạt lợi nhuận cao nhất trong giai đoạn 2013 - 2020. Năm 2021, Công ty ghi nhận mức lợi nhuận lịch sử 1.956 tỷ đồng. EPS 12 tháng của Đạm Cà Mau ở mức 5.861 đồng.
Bất chấp kết quả kinh doanh vượt trội, giá cổ phiếu DCM đã giảm tới gần một nửa chỉ trong vòng 1 tháng từ mức 44.500 đồng về 29.850 đồng ngày 18/5, tương đương mức P/E khoảng 4,7 lần.
Một doanh nghiệp khác cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến là Công ty CP Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) với lãi trước thuế quý I/2022 đạt 1.506 tỷ đồng, gấp 5 lần quý I/2021 và cao hơn nhiều so với kết quả kinh doanh các năm từ 2012 - 2020. EPS 12 tháng ở mức 18.901 đồng. Vậy nhưng chỉ trong 1 tháng, cổ phiếu DGC sụt giảm khoảng 20% về 203.000 đồng ngày 18/5.
Cùng với ngành hóa chất, dịch vụ cảng biển và vận tải biển duy trì mức tăng trưởng cao nhờ giá cước và giao thương xuất nhập khẩu sôi động. Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH) ghi nhận doanh thu quý I/2022 đạt 652 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 3 lần từ mức 101 tỷ đồng quý I/2021 lên 320 tỷ đồng. Kết quả này bằng một nửa của cả năm 2021 và cao hơn nhiều kết quả bình quân giai đoạn từ 2012 - 2020. Tuy vậy, cổ phiếu HAH chỉ trong 10 ngày đã giảm khoảng 12% từ 87.500 đồng xuống 76.800 đồng ngày 18/5.
Một số doanh nghiệp khác có kết quả kinh doanh đột biến trong quý đầu năm 2022 là Công ty CP Gemadept (mã chứng khoán: GMD) báo lãi trước thuế 350 tỷ đồng (tăng trưởng 66%), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán: MVN) lãi trước thuế 774,4 tỷ đồng, gấp 1,8 lần quý I/2021.
Trong ngành thủy sản, một số doanh nghiệp như Công ty CP Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) ghi nhận lãi trước thuế quý I/2022 ở mức 662,8 tỷ đồng (gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2021 và bằng 40% lợi nhuận năm 2018 - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động); Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (mã chứng khoán: IDI) đạt lợi nhuận trước thuế 221,7 tỷ đồng (gấp 9,2 lần quý I/2021 và bằng 30% mức đỉnh lịch sử cả năm 2018).
Dù có kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến nhưng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên cũng rơi mạnh trong bối cảnh sụt giảm chung vừa qua của toàn thị trường.