Ảnh Internet |
Niềm vui huy động
Huy động vốn TPCP đạt kỷ lục được Bộ Tài chính xếp là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành tài chính trong năm qua. Theo Bộ Tài chính, 2016 có thể coi là năm thành công rực rỡ nhất của thị trường trái phiếu chính phủ từ ngày thành lập đến nay. Khối lượng phát hành đạt được rất tích cực, tính đến hết ngày 19/12/2016 đã hoàn thành kế hoạch huy động cả năm, trong đó 91% tổng khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra là 70% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên).
Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân đạt 8,68 năm (cao hơn 1,7 năm so với kỳ hạn phát hành bình quân của năm 2015), nâng kỳ hạn bình quân của cả danh mục TPCP đến 19/12/2016 là 5,63 năm (thời điểm 31/12/2015 là 4,44 năm).
Trong năm 2016, Bộ Tài chính đã phát hành đều đặn các kỳ hạn 3 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm; triển khai thành công sản phẩm mới có kỳ hạn 7 năm. Trong tháng 10/2016, lần đầu tiên phát hành 7.000 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài là doanh nghiệp bảo hiểm không có trụ sở tại Việt Nam. Bộ Tài chính đã thực hiện thành công việc hoán đổi TPCP có kỳ hạn còn lại dưới 5 năm để tái cơ cấu danh mục nợ TPCP.
Lãi suất phát hành TPCP được điều hành linh hoạt, phù hợp với mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ.
Theo Bộ Tài chính, thị trường TPCP năm 2016 đạt được kết quả tích cực do kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường tiền tệ và tỷ giá ổn định, thanh khoản của các tổ chức tín dụng tốt, lãi suất huy động và cho vay trên thị trường tiền tệ đều giảm…
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2016 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2017 tổng mức phát hành TPCP dự kiến là 250.000 tỷ đồng, giảm 31.000 tỷ đồng so với năm 2016 (281.000 tỷ đồng).
Nỗi buồn giải ngân
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, giải ngân vốn TPCP năm 2016 chỉ đạt 55,2% kế hoạch năm.
Bộ KH&ĐT cũng cho biết, đến ngày 30/11/2016, nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch năm 2016 được giao, trong đó có một bộ, địa phương được giao vốn rất lớn, như Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái, tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên, TP. Hà Nội, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Nông, tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau.
Theo một cán bộ của Bộ GTVT, một trong những lý do chậm giải ngân dự án sử dụng vốn TPCP là do phải điều chỉnh dự án và chậm quyết toán dự án.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra, áp lực nợ công đến từ nợ trong nước rất lớn vì Việt Nam chủ yếu dựa vào nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn. Trong khi đó, phần lớn vốn huy động trong nước dựa vào phát hành TPCP với thời gian đáo hạn trung bình của trái phiếu tương đối ngắn, gây áp lực lớn lên khả năng trả nợ. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2014, giá trị TPCP phát hành tăng 8,4 lần, từ gần 28.000 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 235.000 tỷ đồng năm 2014, 55% lượng TPCP phát hành năm 2014 có kỳ hạn ngắn (dưới 3 năm).
Việc chậm giải ngân nguồn vốn TPCP, theo nhiều chuyên gia, sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, gây áp lực trả lãi và trả nợ, vì đây là nguồn vốn Nhà nước đi vay, không tiêu cũng phải chịu lãi suất vay. Trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn TPCP nói riêng. Chỉ đạo này một lần nữa đã được Thủ tướng nhắc lại tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2016, bởi vì chậm giải ngân ngày nào là tăng chi phí cho ngân sách nhà nước ngày đó.