Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ngân hàng đã phát hành trái phiếu thành công trong tháng 8, huy động được lượng vốn cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, đây là cách thức cơ cấu lại lãi suất vốn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp.
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo nhóm ngành 2023
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo nhóm ngành 2023

Theo dữ liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8 (tính đến ngày công bố thông tin 25/8/2023), có 15 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 13.555 tỷ đồng. Trong đó, có tới 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị phát hành hơn 12.000 tỷ đồng.

Riêng trong tháng 8, Ngân hàng BIDV đã phát hành được 700 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm với lãi suất 7,7%/năm; Ngân hàng ACB phát hành được 6.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 6,5%/năm; Ngân hàng MSB phát hành được 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 7,5%/năm; Ngân hàng Bắc Á phát hành được 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,5%/năm; Ngân hàng HDBank phát hành được 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm…

Trước đó, trong tháng 7, nhiều ngân hàng cũng đã huy động được số vốn khá lớn qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, Ngân hàng VietinBank phát hành được 2.500 tỷ đồng, Ngân hàng Techcombank phát hành được 6.000 tỷ đồng, Ngân hàng MSB phát hành được 1.000 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV phát hành được 655 tỷ đồng…

Từ nay đến cuối năm, một số ngân hàng tiếp tục lên kế hoạch phát hành trái phiếu. HĐQT ABBank đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 6.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn từ 1 - 5 năm, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường. Dự kiến số đợt phát hành là 10 đợt, trong đó mỗi đợt phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng.

HĐQT Ngân hàng LPBank đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 10.000 tỷ đồng. Trong đó, 5 đợt với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng dự kiến được phát hành vào tháng 9 và 10 năm 2023. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn từ 2 - 3 năm, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.

Bên cạnh phát hành mới, một số ngân hàng đang mua lại trái phiếu trước hạn. Tính từ giữa tháng 6 đến nay, ABBank đã mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành của 8 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá lên đến 5.500 tỷ đồng. Các lô trái phiếu đều được phát hành vào năm 2021 và phải tới năm 2024 mới tới hạn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ngày 21/8, ngân hàng này đã có quyết định sửa đổi bổ sung phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần một năm 2023. ABBank sẽ triển khai phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu.

Không chỉ riêng ABBank, tính từ đầu năm tới nay, các ngân hàng đã mua lại trên 80.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Riêng trong tháng 8, có 6 ngân hàng thực hiện 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 6.634 tỷ đồng. Toàn bộ trái phiếu mua lại trước hạn là trái phiếu được phát hành giai đoạn 2021 - 2022 với lãi suất tương đối cao.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, các doanh nghiệp đã mua lại 7.246 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 154.345 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,35% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 79.269 tỷ đồng).

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc các ngân hàng phát hành trái phiếu và mua lại trái phiếu trước hạn là những chuyển biến tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, các ngân hàng đang cần thêm nguồn vốn trung, dài hạn để đáp ứng yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 34% xuống còn 30% theo quy định tại Đều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN - điều khoản có hiệu lực từ 1/10/2023. Bên cạnh đó, việc tăng nguồn lực vốn từ trái phiếu cũng giúp các ngân hàng củng cố sức khỏe tài chính, bảo đảm các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Về phía thị trường, hiện trái phiếu của các ngân hàng được đánh giá cao về uy tín, khả năng trả nợ nên đáp ứng được yêu cầu của nhiều nhà đầu tư.

Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất giảm và nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng là nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng phát hành mới và mua lại trái phiếu trước hạn. Các ngân hàng đang mua lại trái phiếu đã phát hành trước đó với lãi suất cao và phát hành trái phiếu mới với lãi suất thấp để tái cơ cấu nguồn vốn, củng cố nguồn lực tài chính. Cùng với việc mua lại, ngân hàng có thể huy động vốn mới với chi phí rẻ hơn trước bằng kênh huy động tiết kiệm hoặc phát hành trái phiếu mới.

“Xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới, giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong cơ cấu nguồn vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Việc cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cũng được thể hiện trong tái cơ cấu nợ, với hoạt động mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn tăng mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư