Nâng tầm quan hệ đối tác Việt Nam - Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được kỳ vọng đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai bên lên một tầm cao mới. Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định, Nhật Bản mong muốn Việt Nam trở thành trung tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Nhiều nhà đầu tư lớn của Nhật Bản đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và dự định đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, 44 văn kiện hợp tác trị giá hàng tỷ USD giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước đã được trao đổi. Ảnh: Quý Bắc
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, 44 văn kiện hợp tác trị giá hàng tỷ USD giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước đã được trao đổi. Ảnh: Quý Bắc

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 63,94 tỷ USD. Nhà đầu tư Nhật Bản hiện đầu tư tại 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Trong 10 tháng năm 2021, Nhật Bản đứng thứ 3 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,4 tỷ USD, tăng 89,9% so với cùng kỳ năm 2020. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 bất chấp những khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19 thể hiện niềm tin của doanh nghiệp Nhật Bản và sức hút của thị trường Việt Nam.

Tại các cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chia sẻ, nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam mà niềm tin của họ tăng lên rõ rệt. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp giữa bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhất là trong việc duy trì chuỗi cung ứng.

Nhiều sự quan tâm, những cam kết, biên bản ghi nhớ được đề cập, ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ngày 25/11/2021, đề xuất tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Kibe Kazunari, Giám đốc Đại diện, Chủ tịch kiêm CEO Công ty INFRONEER thể hiện sự quan tâm tới các dự án hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM và sân bay quốc tế Long Thành. Ông Tadashi Maeda, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) bày tỏ mong muốn tham gia hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải carbon của Việt Nam; đề xuất giải pháp hỗ trợ tài chính và đầu tư với một số dự án. Ba đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) cùng nhận định, Việt Nam có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp.

Cùng ngày 25/11/202, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam - Nhật Bản nâng tầm quan hệ, hợp tác cùng phát triển”, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, 44 văn kiện hợp tác trị giá hàng tỷ USD giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước đã được trao đổi. Trong đó, thỏa thuận hợp tác đầu tư Nhà máy Điện Lạng Sơn trị giá 1,75 tỷ USD; Dự án Chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc trị giá 500 triệu USD; thỏa thuận hợp tác phát triển Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) trị giá 250 triệu USD… Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản đầu tiên sau gần 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cam kết mạnh mẽ về tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Ngày 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã có cuộc hội đàm rất thành công, ra “Tuyên bố chung về việc mở ra giai đoạn phát triển mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Hai Thủ tướng nhất trí hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp hai bên, cải thiện môi trường đầu tư thông qua hợp tác trong những lĩnh vực như chuyển đổi số, đa dạng hóa cơ sở sản xuất, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả ở Việt Nam và Nhật Bản. Những nỗ lực này là chìa khóa khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, xem xét mở rộng quy mô hợp tác về đào tạo và tham vấn về đổi mới, kết nối kinh doanh, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo nhằm giúp các doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Kishida Fumio thông báo Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam thông qua “Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI)” do Nhật Bản đề xuất với trị giá 10 tỷ USD…

Chuyên đề