Phát triển khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn chính là động lực quan trọng cho tăng trưởng trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên |
Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Thảo luận tại tổ chiều 22/10, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng qua. Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TP.HCM, nhận định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhiều biến động, kết quả tăng trưởng đạt được chứng tỏ nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các cấp chính quyền. Đây là thành tựu lớn. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của kinh tế Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội dự báo kết quả tăng trưởng GDP cả năm 2019 có thể còn cao hơn con số 6,8%, tương đương năm 2018.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những động lực cho tăng trưởng là gì, chất lượng tăng trưởng có bền vững hay không, có đảm bảo mục tiêu không khi năm 2020 là năm về đích, chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng mới?
Đáng chú ý, rất nhiều đại biểu băn khoăn về nguồn thu ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Quốc Bình, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, thu ngân sách nhà nước tăng nhưng nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước đều giảm. Đây là vấn đề phải phân tích sâu sắc, vì khi thu từ doanh nghiệp giảm chứng tỏ doanh thu, hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi tức của doanh nghiệp giảm, doanh nghiệp còn khó khăn.
“Số lượng doanh nghiệp nhiều lên nhưng hiệu quả hoạt động lại giảm, Chính phủ cần có chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thực chất, từ đó tạo nguồn thu ngân sách bền vững, tạo động lực cho phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Quốc Bình nói.
Cần tiếp tục cải cách thể chế
Theo ông Hoàng Văn Cường, thu ngân sách từ 3 khu vực doanh nghiệp giảm, đầu tư công giải ngân chậm, nhưng rất may mắn là huy động được vốn đầu tư xã hội lớn. Có thể nói, huy động vốn đầu tư tư nhân góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng của năm nay. Phát triển khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn chính là động lực quan trọng cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo ông Cường, muốn phát triển khu vực kinh tế tư nhân trước hết phải tiếp tục cải cách về thể chế. Những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, thể chế thời gian qua đã bước đầu tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân, nhưng so với các nước trong khu vực vẫn cần cải thiện hơn nữa. Trước hết là về thể chế, phải thực sự là Chính phủ phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, nâng cao chất lượng hạ tầng để doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, giảm chi phí.
Còn theo đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn TP.HCM, Nghị quyết Trung ương đã nói rất rõ phải phát triển kinh tế tư nhân, nhưng làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên, làm thế nào để bảo vệ doanh nghiệp là điều cần tiếp tục phải lưu tâm. Lấy ví dụ các nước châu Âu “nâng niu” doanh nghiệp, tổ chức các cơ quan giúp doanh nghiệp hoàn tất thủ tục, huy động vốn..., ông Quốc khuyến nghị Việt Nam cũng nên hình thành luật bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là bảo vệ quyền tài sản, quyền đầu tư. Đồng thời, tạo môi trường cho các doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật số, hạ tầng cơ sở dữ liệu…
Ông Quốc cho rằng, về phía cơ quan nhà nước cũng cần tiếp tục cải cách hành chính, bởi quá nhiều năm, quá nhiều nhiệm kỳ, người dân và doanh nghiệp vẫn than vãn về thủ tục hành chính. “Có chỗ thủ tục từ 15 giảm xuống 7 nhưng nội dung như nhau, chưa đi vào thực chất”, ông Quốc chỉ ra.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM cũng nhận định, để nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, phải phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Theo ông Ngân, bên cạnh hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên, cần xây dựng được các doanh nghiệp lớn, đầu tư dài hạn, những tập đoàn tư nhân lớn đủ sức cạnh tranh để làm đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa. Theo ông Ngân, tư nhân chưa dám đầu tư dài hạn vì luật liên tục điều chỉnh, cần có đột phá hơn về thể chế.