Nâng cấp sản phẩm dược: Bidiphar thêm lợi thế trong đấu thầu thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc hoàn thành xây dựng Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư công nghệ cao tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và tiến tới hoàn thành chứng nhận EU-GMP cho Nhà máy được kỳ vọng sẽ là cú hích để Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) giành thêm thị phần kênh bệnh viện ở các gói thầu thuốc Nhóm 1 và 2.
Nâng cấp sản phẩm dược: Bidiphar thêm lợi thế trong đấu thầu thuốc

Triển khai nhiều kế hoạch đầu tư lớn

Theo thông báo của Bidiphar, cuối tháng 8/2023, Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư công nghệ cao tại Khu kinh tế Nhơn Hội đã chính thức đi vào hoạt động. Nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2018, đến năm 2022 đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư dạng tiêm và tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất dạng viên để đưa vào hoạt động trong quý III/2023. Nhà máy được đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín, hoàn toàn tự động từ đầu vào đến đầu ra, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn EU-GMP. Bidiphar đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đăng ký và các điều kiện đánh giá để được cấp chứng nhận EU-GMP cho nhà máy này.

Hiện nay, trên 90% thị phần thuốc điều trị ung thư thuộc về thuốc nhập khẩu từ các hãng dược phẩm nước ngoài. Trong các doanh nghiệp nội địa, Bidiphar có lợi thế cạnh tranh khi chiếm tỷ lệ lớn số hoạt chất điều trị ung thư trúng thầu trong bệnh viện, với tổng số trên 20 hoạt chất, trong khi mỗi doanh nghiệp nội địa khác chỉ có 1 - 4 hoạt chất. Việc hoàn thành đầu tư Nhà máy, tiến tới đạt chứng nhận EU-GMP được đánh giá là cú hích lớn cho triển vọng kinh doanh của Bidiphar, củng cố vị thế số 1 về sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.

Bên cạnh dòng sản phẩm thuốc điều trị ung thư, 1 trong 3 nhóm sản phẩm chủ lực tạo nên tên tuổi và lợi thế cạnh tranh cho Công ty (2 nhóm còn lại là thuốc kháng sinh và dung dịch lọc máu), Bidiphar đang tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc với các dạng bào chế khác nhau theo tiêu chuẩn EU-GMP nhằm gia tăng cơ hội trúng thầu và hướng đến xuất khẩu.

Ngày 17/8/2023, nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ của Bidiphar đã được Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là nhà máy sản xuất thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt và các dạng thuốc vô trùng khác theo tiêu chuẩn EU-GMP với quy mô 120 triệu sản phẩm/năm (tương đương 1.600 tấn/năm) với vốn đầu tư 840 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Nhơn Hội (thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội).

Dự kiến trong quý III và quý IV/2023, Dự án sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định. Từ quý IV/2023 đến quý I/2025 sẽ xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ. Từ quý II/2025 đến quý III/2026 sẽ tiến hành mua sắm và lắp đặt máy móc thiết bị. Dự kiến tháng 6/2025 sẽ hoàn thành đánh giá GMP của Bộ Y tế, đến tháng 10/2025 nộp hồ sơ và tháng 10/2026 sẽ có số đăng ký. Tháng 1/2027, Dự án có thể đi vào hoạt động và dự kiến quý III/2028 sẽ có chứng nhận thẩm định EU-GMP cho nhà máy này.

Kênh đấu thầu thuốc tiếp tục là động lực tăng trưởng

Theo ước tính của Ban lãnh đạo Bidiphar, trong quý III/2023, doanh thu của Công ty đạt khoảng 427 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 79 tỷ đồng, tăng trưởng 11%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Bidiphar dự kiến tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt hơn 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận tăng trưởng 22%, đạt hơn 252 tỷ đồng.

Trước đó, Bidiphar đã báo lãi nửa đầu năm nay với doanh thu thuần đạt 796 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 176,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,4% và 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Các biện pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu thuốc có hiệu lực đã giúp kênh ETC (kênh đấu thầu thuốc qua các bệnh viện, sở y tế) tăng trưởng tốt. Theo số liệu của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, trong nửa đầu năm 2023, tổng giá trị trúng thầu thuốc đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị trúng thầu thuốc nội địa đạt 7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và thuốc ngoại đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 109%. Kết quả trúng thầu thuốc tăng mạnh giúp doanh thu kênh ETC 6 tháng đầu năm của Bidiphar tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh doanh thu kênh OTC (thuốc bán không kê đơn) tăng chậm (khoảng 7%). Doanh thu các sản phẩm chủ lực của Bidiphar như thuốc điều trị ung thư, kháng sinh và dung dịch lọc máu đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Bidiphar đặt kế hoạch doanh thu năm nay ở mức 1.800 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, tương đương so với thực hiện năm 2022. Kết thúc nửa đầu năm, Công ty đã hoàn thành 45,6% kế hoạch doanh thu và 58,7% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Điểm mạnh của Bidiphar là duy trì được cấu trúc tài chính mạnh dù đang triển khai các kế hoạch đầu tư lớn. Tính đến cuối quý II/2023, tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn của Công ty là 109,1 tỷ đồng, chiếm 5,84% cơ cấu nguồn vốn; tổng các khoản nợ phải trả chiếm 28,2% cơ cấu nguồn vốn với giá trị 527,3 tỷ đồng.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Ban lãnh đạo Bidiphar đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 18,7 triệu cổ phiếu với giá chào bán tối thiểu 50.000 đồng/cổ phiếu, thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 - 2024, sau khi hoàn tất các thủ tục và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu đợt chào bán thành công sẽ bổ sung nguồn vốn đáng kể cho các dự án đầu tư của Bidiphar.

Chuyên đề