Mua sắm trang thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kể từ ngày Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế (TTBYT) tại các cơ sở y tế công lập được bãi bỏ (14/4/2023) cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào để thay thế cho việc phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng. Điều này khiến các chủ thể liên quan gặp không ít khó khăn trong việc triển khai mua sắm TTBYT và vật tư xét nghiệm.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo quy định của Thông tư số 14/2020/TT-BYT, gói thầu TTBYT có thể có một hoặc nhiều chủng loại TTBYT và mỗi chủng loại TTBYT có thể được phân chia theo 1 trong 6 nhóm. Trong đó, TTBYT Nhóm 1 là phải được ít nhất 2 nước trong số các nước thuộc danh sách nước tham chiếu (NTC) cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) và sản xuất tại NTC hoặc sản xuất tại Việt Nam. Nhóm 2 là phải được ít nhất 2 NTC cấp CFS và không sản xuất tại các NTC hoặc sản xuất tại Việt Nam. Nhóm 3 là phải được ít nhất 1 NTC cấp CFS và sản xuất tại NTC hoặc sản xuất tại Việt Nam. Nhóm 4 là phải được ít nhất 1 NTC cấp CFS và không sản xuất tại các NTC hoặc sản xuất tại Việt Nam. Nhóm 5 là phải có số lưu hành tại Việt Nam (bao gồm cả các trường hợp được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành) và sản xuất tại Việt Nam. Nhóm 6 là các TTBYT khác.

Vào thời điểm mới ban hành, Thông tư số 14/2020/TT-BYT được kỳ vọng sẽ giúp lựa chọn được mặt hàng có chất lượng phù hợp với yêu cầu khám chữa bệnh của từng đơn vị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, TTBYT không giống thuốc (được tiêu chuẩn hoá quốc tế, phân thành 5 nhóm), nên việc phân loại như Thông tư số 14/2020/TT-BYT là chưa phù hợp.

Kể từ khi bãi bỏ Thông tư số 14/2020/TT-BYT cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng trong đấu thầu, hướng dẫn cụ thể hoặc là điều chỉnh quy định về việc phân nhóm cho phù hợp hơn. Điều này khiến cho các bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức mua sắm TTBYT, đặc biệt là thiết bị có kỹ thuật và chất lượng cao.

Theo đại diện một số bệnh viện, nhiều hàng hóa có thông số kỹ thuật trong catalog “đẹp long lanh”, nhưng thực tế sử dụng lại cho thấy chất lượng không tương xứng. Ví dụ chuyện ống thông nội khí quản trúng thầu bị các bác sĩ chuyên khoa từ chối sử dụng vì ống quá cứng, dễ gây chảy máu, biến chứng cho bệnh nhân khi thực hiện thủ thuật, hay “con dao rạch 3 lần chưa qua da”... Từ đó, các y bác sĩ và đơn vị mua sắm buộc phải đưa ra yêu cầu đối chiếu hàng mẫu, dùng thử rồi mới chọn trúng thầu.

Tuy nhiên, theo trưởng phòng vật tư thiết bị của một bệnh viện lớn tuyến trung ương, pháp luật về đấu thầu không khuyến khích kiểm tra hàng mẫu, vì dễ nảy sinh việc hạn chế nhà thầu tham dự. Vì thế, không ít bệnh viện đau đầu vì kiến nghị của các nhà thầu.

Thực tế, thời gian qua, Báo Đấu thầu nhận được nhiều phản ánh của nhà thầu về tình trạng hồ sơ mời thầu yêu cầu nộp hàng mẫu trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu. Đơn cử, gói thầu mua vật tư phẫu thuật mắt, vật tư điều trị ung bướu, laser nội mạch, tuyến tiền liệt năm 2024 (7,23 tỷ đồng) tại Lào Cai, hồ sơ mời thầu yêu cầu: “Trong một số trường hợp, để xác định tính phù hợp với nhu cầu chuyên môn cũng như các thiết bị đang sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu nộp hàng mẫu…”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chia sẻ, do không có quy định cụ thể chuẩn kỹ thuật, chất lượng TTBYT, nên tình trạng hàng giá rẻ, kém chất lượng trúng thầu vào các bệnh viện công ngày càng nhiều. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người bệnh, làm giảm uy tín và chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở y tế, mà còn gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung ứng trên thị trường.

Một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực TTBYT cho biết, các doanh nghiệp đang cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng chủ yếu chạy đua giá, thay vì chất lượng. Những TTBYT hiện đại, có chất lượng tốt thường có giá đắt hơn, vì thế ngày càng khó trúng thầu hơn. Với bối cảnh cạnh tranh về giá như vậy, thị trường sẽ chi phối mạnh tới nhà sản xuất, lẫn nhà cung ứng, khiến họ không chú trọng những thiết bị có chất lượng cao, hiện đại và hệ quả cuối cùng là thiệt thòi thuộc về người dân.

Theo tìm hiểu, Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng Luật TTBYT. Trong lúc chờ đợi khung quy chuẩn rõ ràng, các cơ sở y tế có thể dựa vào ý kiến đánh giá của Hội đồng khoa học như cách Bệnh viện Bạch Mai đang làm, để xây dựng danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật của gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm.

Chuyên đề