Mua sắm thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm: Hóa giải nỗi lo về giá và chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Băn khoăn lớn nhất của các chủ thể tham gia hoạt động mua sắm thiết bị y tế (TBYT) hiện nay, từ cơ sở y tế (CSYT), cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), đến nhà sản xuất và cung cấp thiết bị… là làm thế nào để người dân tiếp cận được TBYT có chất lượng tốt với giá cả phù hợp. Liệu việc kê khai giá, phân nhóm theo tiêu chí kỹ thuật - chất lượng, mua sắm tập trung có hóa giải được nỗi lo này?
Thời gian qua, một số bệnh viện đã dựa vào yêu cầu đặc thù của mình để xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật thiết bị y tế. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Thời gian qua, một số bệnh viện đã dựa vào yêu cầu đặc thù của mình để xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật thiết bị y tế. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Thấp thỏm nỗi lo về giá và chất lượng

Chia sẻ bên lề Hội nghị Quản lý bệnh viện trong thời kỳ đổi mới vào cuối tháng 9/2024, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết: “Đa số các bệnh viện hiện nay vẫn băn khoăn về việc xác định giá TBYT, vì họ không thể biết được giá CIF (giá nhập khẩu từ cảng nước nhập khẩu về đến Việt Nam - PV). Cho nên, khi chúng tôi tiến hành lấy báo giá thì không thể biết được báo giá của nhà cung cấp có phù hợp hay không, hay đã bị đẩy lên cao bất hợp lý”.

Theo chia sẻ của ThS. Trần Quang Độ - Trưởng phòng Vật tư thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai, khi so sánh, đối chiếu giá kê khai của doanh nghiệp trên Cổng thông tin của Bộ Y tế cho thấy, nhiều mặt hàng có giá kê khai cao gấp đôi giá trúng thầu. Hay một vật tư có thể có nhiều chủng loại khác nhau dẫn tới dải giá rất rộng, tạo ra sự chênh lệch giá lớn. Điều này gây khó khăn cho các CSYT khi xác định giá để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, cũng như có tâm lý lo sợ rủi ro khi hậu kiểm.

Đại diện Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam cho biết, nhà cung cấp cũng không biết báo giá như thế nào là đúng. Việc kê khai giá thuộc trách nhiệm của hãng sản xuất, chủ sở hữu hay nhà cung cấp? Nếu là nhà cung cấp thì liệu thông tin kê khai giá có được bảo mật hay không, bởi vì liên quan đến bí mật kinh doanh của mỗi doanh nghiệp”, phía Boston đặt câu hỏi.

Về phản ánh trên, ông Nguyễn Minh Lợi - Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và TBYT thuộc Bộ Y tế cho rằng, trước đây, nhiều doanh nghiệp thường kê khai giá tối đa với cấu hình phổ biến nhất. Nếu theo Nghị định 98/2021/NĐ-CP thì việc kê khai đó không sai, nhưng theo pháp luật về giá lại không đúng.

“Chúng tôi từng gặp trường hợp với thiết bị nhận cảm nhịp tim và huyết áp, khi cấp cứu bệnh nhân thì phát hiện không có phần mềm nhận cảm. Hỏi hãng sản xuất thì hãng trả lời do chủ đầu tư mua thiếu model và phần mềm. Muốn mua thêm thì phải tổ chức đấu thầu lại từ đầu… Nguyên nhân là do thông tin kê khai giá không đầy đủ, chỉ kê khai máy chính mà không có giá đi kèm các model, phần mềm, linh kiện…”, TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của BHXH Việt Nam, cùng một stent của một hãng sản xuất nhưng mỗi CSYT trên cùng địa bàn lại có một giá khác nhau, hay giá trúng thầu khác nhau giữa các địa phương tại cùng một thời điểm… Điều này khiến cho cơ quan BHXH cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán Quỹ Bảo hiểm y tế.

Cách nào hóa giải nỗi lo?

Theo lãnh đạo Cục Cơ sở hạ tầng và TBYT, quy định pháp luật về quản lý giá đã có sự thay đổi. Giá kê khai của một đơn vị/nhóm cụ thể được xác định tại thời điểm mua hàng trả tiền. Giá kê khai phục vụ cho việc quản lý nhà nước, có thể điều chỉnh khi thị trường biến động lớn về giá hoặc tác động lớn cho xã hội. Đối tượng kê khai giá là nhà sản xuất, chủ sở hữu và Bộ Y tế sẽ ban hành danh sách cụ thể trong thời gian tới. Từ đó, nhà cung cấp có trách nhiệm niêm yết giá, niêm yết giá nào thì bán giá đó. Còn giá đấu thầu tuỳ thuộc vào số lượng, thời điểm thanh toán... Vì vậy, không thể dùng giá kê khai để so sánh với giá trúng thầu, đồng thời hãng sản xuất, chủ sở hữu sẽ không phải lo về bảo mật giá. Dự thảo Thông tư về kê khai giá đang được Bộ Y tế xây dựng cũng thiết kế theo quy định mới của Luật Giá và Nghị định số 85/2024/NĐ-CP. Thời hạn ban hành là trước ngày 31/10/2024.

Để giảm tải áp lực về giá cho các CSYT, Bộ Y tế đang xây dựng Danh mục TBYT, vật tư xét nghiệm mua sắm tập trung cấp quốc gia để thực hiện theo lộ trình. Nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn TBYT, vật tư xét nghiệm vào Danh mục là được lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; có số lượng sử dụng và tổng giá trị thanh toán lớn trên toàn quốc; có chủng loại tương tự về quy cách, cấu hình, tính năng kỹ thuật, mục đích sử dụng ở nhiều CSYT…

Mặt khác, Bộ Y tế được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng quy định về việc phân nhóm TBYT theo tiêu chuẩn kỹ thuật - chất lượng. Hiện có nhiều ý kiến đề xuất khác nhau, nhưng phần lớn chưa có đề xuất cách thức thực hiện cụ thể, căn cứ khoa học, nên cần thời gian để tiếp tục nghiên cứu, góp ý.

Trước mắt, Cục Cơ sở hạ tầng và TBYT đề xuất phương án xây dựng các quy định, hành lang pháp lý về nguyên tắc để có thể xác định nhóm TBYT có tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng mong muốn phù hợp với nhu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của từng đơn vị. Chẳng hạn, dù lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng nào thì cũng phải đảm bảo tính cạnh tranh là có từ 2 nhà cung cấp trở lên… Còn lại, chủ đầu tư được trao quyền chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm lựa chọn nhóm trong mua sắm, đấu thầu TBYT.

“Tuy nhiên, các CSYT không phải chờ đợi đến khi có hướng dẫn phân nhóm mới triển khai mua sắm, ảnh hưởng tới việc đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh. Bởi vì, pháp luật về đấu thầu hiện hành đã trao quyền chủ động cho CSYT, tùy vào yêu cầu chuyên môn và năng lực tài chính để xây dựng cấu hình, tính năng kỹ thuật phù hợp. Chẳng hạn, kết hợp xuất xứ hàng hóa theo nhóm nước, vùng lãnh thổ với tiêu chuẩn thương mại và công nghiệp đã được áp dụng trên toàn thế giới như ISO, FDA, CE… Việc giao cho hội đồng khoa học của CSYT xác định tiêu chí, phân nhóm là phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế, sát với yêu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của CSYT đó”, ông Lợi nhấn mạnh.

Thực tế thời gian qua, một số bệnh viện đã dựa vào yêu cầu đặc thù của mình để xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật TBYT. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện cho biết, Hội đồng khoa học còn dựa vào tiêu chuẩn, khuyến cáo của các hiệp hội chuyên ngành trong và ngoài nước để xác định tính năng, cấu hình kỹ thuật…

Để loại dần các TBYT kém chất lượng, hình thành một cơ sở dữ liệu đầy đủ phục vụ cho việc đánh giá hiệu quả sử dụng, ông Hiếu kêu gọi các chủ đầu tư cần mạnh dạn công khai đánh giá chất lượng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhất là khi có bằng chứng sự cố y khoa.

Chuyên đề