Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Giấy phép ngành, giấy phép địa phương
Tại Gói thầu Mua sắm trang thiết bị giáo dục mầm non của tỉnh Lâm Đồng vừa được đóng thầu đầu tháng 10/2021, HSMT có hàng loạt tiêu chí bị nhà thầu phản ứng. Theo đó, Gói thầu có dự toán gần 20 tỷ đồng này yêu cầu Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 về sản xuất và kinh doanh thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em; Giấy chứng nhận phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3:2019/BKHCN; Giấy chứng nhận phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 6238-1:2017, TCVN 6238-3:2011 hoặc tương đương. Đặc biệt, HSMT còn yêu cầu nhà thầu cung cấp Giấy xác nhận của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về “Danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học dùng cho Giáo dục Mầm non”; Giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015; Giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em…
Theo các nhà thầu, trong rất nhiều giấy chứng nhận, mà thực chất là giấy phép con chuyên ngành nói trên, yêu cầu giấy xác nhận của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - một đơn vị không có chức năng cấp các chứng nhận về đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học là phi lý.
Đây không phải là trường hợp cá biệt trong đấu thầu mua sắm thiết bị trường học hiện nay. Tại một số gói thầu mua sắm thiết bị ở tỉnh Bình Thuận, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có đại lý bảo hành, có chứng chỉ ISO 27001 về an toàn thông tin... Đây được coi là các “giấy phép con” trong đấu thầu.
Bên cạnh đó, vấn nạn nổi lên vấn đề nhiều HSMT đưa ra yêu cầu “giấy phép địa phương” khi bắt buộc nhà thầu thải có đại lý, chi nhánh tại địa bàn thực hiện gói thầu. Mới đây, một gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Tân An (tỉnh Long An) mời thầu đã yêu cầu “nhà thầu phải có chi nhánh hoặc trạm bảo hành đang hoạt động (có tư cách pháp nhân, nhân sự, thiết bị) tại tỉnh Long An”…
Việc lạm dụng “giấy phép con” nói trên đã hạn chế sự tham gia của các nhà thầu ngay tại những gói thầu mua sắm hàng hóa phổ biến, thông dụng. Hiệu quả của hoạt động đấu thầu do vậy mà bị ảnh hưởng nhiều.
Nhà thầu cần quyết liệt, chủ đầu tư cần cầu thị
Dù là một câu chuyện bức xúc, dẫn tới nhiều phản ứng của nhà thầu, tuy nhiên, thực tế đáng buồn, HSMT những gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục lại ít được rà soát, điều chỉnh nhất so với các lĩnh vực khác.
Một nhà thầu tại TP.HCM chia sẻ, đầu tiên là do các chủ đầu tư - đa số là các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo có tư tưởng “phó thác toàn bộ” cho đơn vị tư vấn đấu thầu. Do đó, khi HSMT có nhiều “sạn”, không tuân thủ quy định, chủ đầu tư hoặc không nắm, không cập nhật quy định để điều chỉnh, hoặc không làm hết trách nhiệm dẫn tới tình trạng HSMT thiếu chất lượng. Thứ hai, do nhà thầu quá chán nản trước hàng rào chốt chặn, không muốn dự thầu, không muốn kiến nghị làm rõ, điều chỉnh HSMT. Đây chính là một phần nguyên nhân các chủ đầu tư bao biện “không có kiến nghị, làm rõ nào về HSMT để rà soát, điều chỉnh”.
“Chính sự buông xuôi của các nhà thầu, không đấu tranh với hành vi vi phạm quy định đã dẫn tới môi trường thiếu cạnh tranh giữa các nhà thầu trong lĩnh vực này. Hiện nay, đấu thầu qua mạng phổ biến, rất thuận lợi để các nhà thầu gửi văn bản đề nghị làm rõ, từ đó nâng cao trách nhiệm giải trình từ phía bên mời thầu, chủ đầu tư”, chuyên gia Nguyễn Việt Hùng đánh giá.
Tại một số gói thầu, dù nhà thầu liên tục đề nghị làm rõ, kiến nghị về các tiêu chí bất cập nhưng chủ đầu tư/bên mời thầu vẫn “mũ ni che tai”, làm ngơ, không trả lời hoặc trả lời cho có, chiếu lệ. “Những gói thầu như vậy luôn thu hút rất ít nhà thầu tham gia, giá trúng thầu sát giá gói thầu, kém hiệu quả và minh bạch. Tình trạng này càng kéo dài càng làm niềm tin của nhà thầu sút giảm. Muốn chấn chỉnh sự bất cập khi lập HSMT trong lĩnh vực này, cần nhất tinh thần cầu thị, thượng tôn pháp luật của các chủ đầu tư/bên mời thầu”, một nhà thầu cung cấp thiết bị trường học tại Bình Dương bình luận.