Một năm chật vật đấu thầu mua sắm lĩnh vực y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế mua sắm, đấu thầu của ngành y tế. Tuy nhiên, theo nhiều địa phương, do văn bản hướng dẫn thay đổi liên tục, các đơn vị không tránh khỏi sự lúng túng dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, làm chậm công tác đấu thầu thuốc, vật tư, hoá chất, thiết bị.
Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế mua sắm, đấu thầu của ngành y tế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế mua sắm, đấu thầu của ngành y tế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đánh giá về năm 2023, nhiều địa phương cho rằng, việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế chuyên dùng, vật tư y tế (VTYT), hoá chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh (KCB) tại một số đơn vị còn chậm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Ninh Bình, nguyên nhân là trong năm 2023, nhiều văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế được ban hành, nhiều văn bản bị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế như: sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2021/NĐ-CP; bãi bỏ Thông tư số 14/2020/TT-BYT; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 58/2016/TT-BTC; ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP; ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT; ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BYT…

Cùng chung tình trạng chậm đấu thầu mua VTYT, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị nhận xét: “Do văn bản quy định, hướng dẫn thay đổi liên tục, nên việc mua sắm, sửa chữa phải điều chỉnh theo, dẫn đến kéo dài thời gian mua sắm, sửa chữa, ảnh hưởng đến công tác KCB”.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, nhiều địa phương thừa nhận, năng lực của một số cán bộ làm công tác đấu thầu trong lĩnh vực y tế còn hạn chế. “Một số đơn vị phải sửa đổi hồ sơ mời thầu (HSMT) nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện…”, Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết.

Qua khảo sát sơ bộ của Báo Đấu thầu, nhiều cơ sở y tế mất khá nhiều thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu vì phải điều chỉnh HSMT và gia hạn thời điểm đóng thầu nhiều lần. Đơn cử, Gói thầu số 3 Mua VTYT trị giá 76,382 tỷ đồng của Bệnh viện Quân y 4 - Cục Hậu cần - Quân đoàn 4 phải sửa đổi HSMT 2 lần, gia hạn đóng thầu 2 lần. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Gói thầu Mua sắm hóa chất, VTYT, thiết bị y tế năm 2023 - 2024 tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ (41,107 tỷ đồng)…

Ngoài ra, trong năm 2023, một số cơ sở y tế gặp khó khăn trong đấu thầu, kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu do những bất cập trong việc gia hạn số đăng ký lưu hành thuốc. Kết luận của Thanh tra Bộ Y tế tại TP.HCM mới đây cho thấy, một số thuốc được gia hạn số đăng ký, nhưng quyết định gia hạn tên thuốc chưa được cập nhật đúng thông tin đã điều chỉnh của thuốc, do đó không đủ tư cách hợp lệ để tham dự thầu. Ví dụ, thuốc Simethicone Stada đã được đổi tên thành Gastrylstad theo Công văn số 3569/QLD-ĐK ngày 20/3/2019, sau đó được đổi tên thành Simethicone Stella theo Công văn số 5746/QLD-ĐK ngày 5/7/2022, song Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế ban hành Quyết định số 62/QLD-ĐK ngày 8/2/2023 gia hạn số đăng ký cho tên thuốc là Gastrylstad…

Một số khó khăn khác, theo phản ánh của nhiều cơ sở y tế, đó là việc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam thực hiện giám định hồ sơ, dữ liệu tự động để thông báo sai sót và từ chối thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế (BHYT) tự động là không đảm bảo việc giám định chính xác, khách quan, minh bạch. Cuối tháng 12/2023, một số nhà thầu đồng loạt lên tiếng phản ánh việc không thể triển khai hợp đồng đã ký kết, không thể giao hàng đã trúng thầu đúng hạn… vì cơ quan BHXH địa phương không “ánh xạ” (chấp thuận) kết quả lựa chọn nhà thầu và yêu cầu phải chờ đợi thêm để đối chiếu lại, trong khi bỏ ngỏ thời hạn ban hành kết quả giám định.

Tại TP.HCM, nhiều cơ sở y tế bị cơ quan BHXH loại trừ thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật điều trị đích trong ung thư, nút chặn kim luồn, khai thông mạch não, thuốc Pnremen (do khác tên dạng bào chế của thành phần)… Theo Thanh tra Bộ Y tế, việc từ chối thanh toán này là không có cơ sở.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị kiến nghị, Bộ Y tế cần sớm thực hiện việc cấp phép thuốc, gia hạn số đăng ký để thuận tiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc đấu thầu, cung ứng thuốc. Đồng thời, Bộ Y tế cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý (Thông tư số 43/2013/TT-BYT, Thông tư số 21//2017/TT-BYT); chủ trì, phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh phân cấp mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, quy định rõ ràng, minh bạch danh mục mua sắm tập trung và mua sắm phân cấp để các cấp, các đơn vị liên quan dễ thực hiện.

Thanh tra Bộ Y tế cũng đề xuất cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế để đảm bảo việc giám định BHYT chính xác, khách quan, minh bạch, trong đó có thể nghiên cứu mô hình tổ chức giám định BHYT độc lập; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo nhóm chẩn đoán (DRG)…

Chuyên đề