Mỗi năm là một đỉnh cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến năm 2025, 100% gói thầu phải áp dụng đấu thầu qua mạng (ĐTQM). Đây là mục tiêu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT từ năm 2019 và sẽ đạt được với quyết tâm của Chính phủ và các bên liên quan khi nền tảng công nghệ đang dần hoàn thiện. Một số ý kiến lưu ý cần nâng cao khả năng lưu trữ dữ liệu của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và kết nối các cơ sở dữ liệu liên quan tới hoạt động đấu thầu để đáp ứng lộ trình đặt ra.
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cần bảo đảm việc lưu trữ, truy cập cơ sở dữ liệu an toàn và thuận tiện khi thông tin đấu thầu tăng lên nhanh chóng. Ảnh: Lê Tiên
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cần bảo đảm việc lưu trữ, truy cập cơ sở dữ liệu an toàn và thuận tiện khi thông tin đấu thầu tăng lên nhanh chóng. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2022, ĐTQM được triển khai quyết liệt và có sự phát triển vượt bậc, tăng mạnh cả về số lượng và giá trị đấu thầu. Theo thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (e-GP), năm 2022 có 124.817 gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng. Trong đó, tính đến hết năm 2022, có 112.316 gói thầu đã có kết quả lựa chọn nhà thầu với tổng giá gói thầu khoảng 595.729 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu khoảng 581.781 tỷ đồng.

Điều 37 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định, việc lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2022 phải bảo đảm đạt tối thiểu 80% tổng số lượng gói thầu và tối thiểu 70% tổng giá trị gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức 2 giai đoạn 1 túi hồ sơ, 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, năm 2022, công tác ĐTQM trên cả nước đã vượt cả 2 chỉ tiêu theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT. Cụ thể, tỷ lệ về số lượng gói thầu là 96,91% (vượt 16,91 điểm %) và tỷ lệ về tổng giá trị gói thầu là 78,99% (vượt 8,99 điểm %).

Phần lớn các cơ quan, đơn vị tuân thủ đúng lộ trình về ĐTQM theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT. Đơn cử, 105/120 cơ quan, đơn vị có tỷ trọng về tổng số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM vượt yêu cầu tối thiểu (80%) và 88/120 cơ quan, đơn vị có tỷ trọng về giá trị gói thầu áp dụng ĐTQM vượt yêu cầu tối thiểu (70%). Trong đó, 10 cơ quan, đơn vị, địa phương có tỷ trọng về số lượng và giá trị gói thầu áp dụng ĐTQM đạt 100% như: Văn phòng Chủ tịch nước; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam…

ĐTQM còn giúp tiết kiệm chi phí hành chính và thời gian cho chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu. Tính chung cả năm 2022, ĐTQM giúp tiết kiệm khoảng 1.530 tỷ đồng chi phí hành chính trực tiếp. Đối với chủ đầu tư, bên mời thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng (từ khi phát hành HSMT đến khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu) so với đấu thầu truyền thống trung bình tiết kiệm được 8 ngày, quy đổi theo chi phí tiền lương/ngày công là trên 532 tỷ đồng. Đối với nhà thầu, theo khảo sát, các doanh nghiệp khi tham gia ĐTQM tiết kiệm được 5 triệu đồng chi phí hành chính mỗi gói thầu (bao gồm chi phí mua HSMT, chi phí đi lại, in ấn, nhân công) so với đấu thầu truyền thống.

Ngoài ra, số lượng các gói thầu quy mô lớn được ĐTQM tiếp tục tăng, nhiều gói thầu có nhiều nhà thầu tham dự, tính cạnh tranh cao.

Theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng năm 2023 phải đạt tối thiểu 90% số lượng gói thầu và tối thiểu 80% tổng giá trị gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức 2 giai đoạn 1 túi hồ sơ, 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Chỉ tiêu tương tự trong năm 2024 lần lượt là tối thiểu 95% số lượng gói thầu và tối thiểu 90% tổng giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM.

Luật Đấu thầu năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định áp dụng ĐTQM đối với tất cả các gói thầu kể từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống e-GP theo quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật Đấu thầu 2023.

Luật Đấu thầu năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định áp dụng ĐTQM đối với tất cả các gói thầu kể từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống e-GP theo quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật Đấu thầu 2023. Như vậy, tới năm 2025, 100% các gói thầu sẽ phải áp dụng ĐTQM.

Theo ông Trần Tử Dũng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị Sài Gòn, Hệ thống e-GP mới được vận hành từ tháng 9/2022 có nhiều ưu điểm vượt trội so với Hệ thống cũ, áp dụng ĐTQM cho nhiều lĩnh vực từ lựa chọn nhà thầu với các nguồn vốn khác nhau cho tới lựa chọn nhà đầu tư, có đầy đủ chức năng với sự kết hợp, kết nối từ nhiều nguồn cơ sở dữ liệu khác nhau, hướng tới một hệ thống quản lý đầu tư công hoàn chỉnh trong thời gian tới.

Để đáp ứng lộ trình ĐTQM đang đặt ra, vấn đề đầu tiên cần đặc biệt quan tâm là khả năng lưu trữ dữ liệu đấu thầu của Hệ thống. Ông Trần Tử Dũng nêu ví dụ, trong quá trình nhập HSMT trên Hệ thống, hạng mục nhân sự trong webform chỉ cho phép nhập tối đa 1.000 ký tự, mục chỉ dẫn nhà thầu cho phép nhập tối đa 2.000 ký tự dẫn đến bị hạn chế ký tự trong quá trình đăng thông báo mời thầu. Việc giới hạn ký tự trong HSMT đôi lúc gây ra những bất cập trong quá trình đăng tải HSMT một số gói thầu lớn, cần đưa ra những yêu cầu chi tiết hơn để hướng dẫn nhà thầu lập HSDT. Khi bị giới hạn, một số nội dung trong HSMT sẽ bị lược bỏ dẫn đến HSMT thiếu chi tiết, có thể gây khó khăn cho quá trình lập HSDT của nhà thầu. Mặt khác, việc giới hạn ký tự cũng đặt ra vấn đề về sự hạn chế trong quá trình lưu trữ dữ liệu của Hệ thống.

Trong thời gian tới, việc triển khai ĐTQM sẽ mạnh mẽ hơn, quy định pháp lý cũng nêu rõ vai trò của văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có giá trị theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, làm cơ sở đối chiếu, so sánh, xác thực thông tin phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân. Để bảo đảm cơ sở dữ liệu phục vụ trách nhiệm giải trình, ông Dũng cho rằng, khả năng lưu trữ dữ liệu đấu thầu của Hệ thống sẽ là một thách thức lớn trong thời gian tới.

Một cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của Công ty CP Đầu tư Việt Trí Tín nêu quan điểm, với số lượng người dùng ngày càng lớn, thông tin đấu thầu sẽ tăng lên nhanh chóng, Hệ thống cần bảo đảm được việc lưu trữ, truy cập cơ sở dữ liệu an toàn và thuận tiện. Hệ thống cũng cần nhanh chóng xây dựng hoàn thiện các modul còn thiếu (quản lý hợp đồng, quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý các giao dịch điện tử sẽ phát sinh trên Hệ thống...).

Ngoài ra, việc kết nối các cơ sở dữ liệu liên quan tới hoạt động đấu thầu là rất quan trọng để có thể đáp ứng đầy đủ các tính năng theo yêu cầu. Do đó, phải đẩy nhanh triển khai nội dung này với sự quyết tâm và phối hợp liên ngành.

Trong giai đoạn đầu áp dụng Luật Đấu thầu 2023 khi nghị định, thông tư hướng dẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, hoạt động đấu thầu sẽ ghi nhận thêm các hành vi hiệu chỉnh thông tin trong quá trình mời thầu, lựa chọn nhà thầu. Vị cán bộ trên cho rằng, Hệ thống cần lường trước những vấn đề này để có giải pháp hiệu chỉnh, điều chỉnh webform cũng như các thông tin trong HSMT, HSDT theo hướng mở rộng, linh hoạt.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư