Mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất: Không lo thiếu tiền, chỉ cần cơ chế

(BĐT) - Tọa đàm “Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất” do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức vừa qua cho thấy, vướng mắc lớn nhất có thể dẫn tới chậm trễ quá trình mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là nhà ga hành khách T3, hoàn toàn không phải do thiếu vốn. Thậm chí, cả khu vực tư nhân lẫn doanh nghiệp nhà nước đều tự tin nếu được giao triển khai.
Sau khi mở rộng, công suất phục vụ của Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 50 triệu lượt hành khách/năm. Ảnh: Tiên Giang
Sau khi mở rộng, công suất phục vụ của Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 50 triệu lượt hành khách/năm. Ảnh: Tiên Giang

ACV tự tin cả về vốn lẫn tiến độ thi công

Theo Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh, Tân Sơn Nhất và Long Thành là các cụm cảng phục vụ cho thị trường trọng điểm phía Nam, không thể tách rời. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu thị trường khu vực này khoảng 65 triệu lượt hành khách và đến năm 2030 khoảng 85 triệu lượt hành khách. Trong khi đó, ngay cả khi mở rộng xong Tân Sơn Nhất thì tổng công suất của 2 cảng này mới là 75 triệu lượt khách/năm (Tân Sơn Nhất 50 triệu lượt khách và Long Thành giai đoạn 1 là 25 triệu lượt khách). Do đó, nhu cầu mở rộng, nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu thị trường là cực kỳ cấp thiết.

Khi đặt vấn đề đầu tư dự án này, ACV đã đề xuất, cần có cơ chế cho ACV chủ động lập kế hoạch đầu tư phát triển, quản lý khai thác hạ tầng cảng. Cụ thể, đại diện ACV cho biết, từ nay đến năm 2025, ACV sẽ tích lũy được khoảng 87.500 tỷ đồng. Hiện tiền mặt Tổng công ty gửi ngân hàng khoảng 25.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, ACV sẽ tích lũy thêm khoảng 130.000 tỷ đồng nữa. Như vậy, nguồn lực của ACV hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư, kể cả đầu tư vào Sân bay Long Thành.

Về chất lượng, tiến độ thi công, đại diện ACV cũng tự tin khi chắc chắn rằng đơn vị này không bao giờ làm chậm hơn, lâu hơn tư nhân. 

Tư nhân mong muốn tham gia

Khi đặt vấn đề đầu tư mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, ACV đề xuất, cần có cơ chế cho ACV chủ động lập kế hoạch đầu tư phát triển, quản lý khai thác hạ tầng cảng. Với kinh nghiệm và tiềm lực đã có, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cũng khẳng định sẵn sàng tham gia đầu tư  Dự án và mong có cơ chế hợp tác.

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) - ông Hạnh Nguyễn - khẳng định, nhà đầu tư này luôn sẵn sàng cùng tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng hàng không. “Theo kinh nghiệm IPP đã làm tại Sân bay Cam Ranh (công suất 4,5 triệu khách/năm), chúng tôi chỉ cần 6 - 8 tháng chuẩn bị hồ sơ thiết kế và 19 tháng triển khai xây dựng. Vì tiền túi bỏ ra nên chúng tôi giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng thi công, chỉ đạo 3 ca/ngày. Đối với mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, do mặt bằng rộng hơn, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm. Với kinh nghiệm và tiềm lực đã có, tôi khẳng định IPP làm được và mong có cơ chế hợp tác”, đại diện IPP cho biết.

Tại Việt Nam, trong lĩnh vực hàng không, ngoài IPP, Tập đoàn Sun Group đang thể hiện rất tốt vai trò của tư nhân khi tham gia lĩnh vực này. Dự án Sân bay Vân Đồn nằm tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh là dấu ấn đậm nét nhất. Tổng mức đầu tư cho Dự án lên tới gần 7.500 tỷ đồng, công suất tiếp nhận dự kiến là 2 triệu lượt hành khách và 10.000 tấn hàng hóa vận chuyển mỗi năm hoàn toàn do tư nhân đảm nhận.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ GTVT, đối với ngành hàng không Việt Nam, đây là dự án rất đặc biệt. Sự đặc biệt ấy thể hiện ở 2 điểm. Thứ nhất, Sân bay Vân Đồn là sân bay đầu tiên được đầu tư 100% bằng vốn tư nhân, từ nhà ga hành khách, đường băng đến trang thiết bị đi kèm. Thứ hai, đây cũng là dự án hoàn toàn do tư nhân khai thác, ngoại trừ phần quản lý điều hành bay vẫn do Nhà nước nắm.

Đại diện Bộ GTVT chia sẻ thêm, mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất là công trình loại A, phải qua rất nhiều khâu, từ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và có quá trình lựa chọn nhà thầu cho tất cả các khâu chuẩn bị. Sau khâu chuẩn bị đầu tư mới đến giai đoạn thi công và cuối cùng là giai đoạn kết thúc đầu tư (bao gồm nghiệm thu, thanh toán...). “Nếu quá trình triển khai mất nhiều thời gian cho thủ tục, sự hấp dẫn của Dự án đối với nhà đầu tư tư nhân có thể giảm sút. Do đó, dự án này cần có cơ chế triển khai phù hợp”, một số nhà đầu tư nhận định.

Chuyên đề