Mạnh tay xử lý cán bộ tiếp tay cho buôn lậu

BĐT- Sẽ mạnh tay xử lý tình trạng cán bộ tiếp tay cho buôn lậu
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại buổi Họp báo về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Phát hiện nhiều vi phạm buôn lậu

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2015, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động để vi phạm, chủ yếu là hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Đặc biệt, trong nội địa tại các tỉnh, thành phố lớn, tình trạng sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khoẻ người tiêu dùng, cũng như uy tín, thương hiệu của nhiều doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, trong năm 2015 lực lượng công an đã phát hiện và bắt giữ 9.191 vụ việc, thu nộp cho ngân sách nhà nước (NSNN) số tiền là 117 tỷ 791 triệu đồng; khởi tố hình sự 395 vụ/546 bị can. Trong đó, có vụ bắt giữ 200 bánh heroin và 400 viên ma tuý tổng hợp tại Thái Nguyên; vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép 490 bánh heroin tại Hà Nội; vụ vận chuyển 70 tấn thuốc bắc tại khu vực cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn; vụ vận chuyển trái phép 1.300 điện thoại di động hiệu Samsung, Apple, Vertu… không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại Bắc Ninh...

Ông Dương Xuân Sinh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày một tinh vi hơn, khi lực lượng chức năng làm chặt, thực hiện các đợt cao điểm phòng, chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại thì các đối tượng dịch chuyển từ điểm nóng sang các địa bàn khác. Trên đường bộ thì sử dụng những xe khách hoán cải chức năng, cải tạo hầm xe, bỏ ghế, dán kính để chở hàng lậu từ biên giới về nội địa như ngà voi thường qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng Hải Phòng, nhưng trong năm 2015 các lực lượng chức năng lại phát hiện vụ buôn lậu 142 kg sừng tê giác, 4 tấn vẩy tê tê và khoảng 3,8 tấn ngà voi qua đường biển khu vực Cảng Tiên Sa, TP. Đà Nẵng; hay vụ buôn lậu 31,6 kg cocain vận chuyển trái phép từ Nam Mỹ vào Việt Nam qua đường biển TP.HCM và đường hàng không TP. Hà Nội; vụ buôn lậu khoảng 5.000 tấn hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm là đồ điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng... trị giá 100 tỷ đồng qua đường biển khu vực TP.HCM.

Quyết liệt chống buôn lậu

Theo ông Dương Xuân Sinh, trong năm 2015, với sự điều hành, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trên cơ sở bám sát thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã phối hợp đấu tranh, bắt giữ, xử lý hiệu quả các đối tượng vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Từ nay đến tết Nguyên đán Bính Thân 2016 và kế hoạch trong năm 2016, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng xây dựng, triển khai các kế hoạch kiểm tra theo tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý,... Theo đó, có sự phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành;... xác định trọng điểm về đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động và các mặt hàng cần chú ý để từ đó phối hợp triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát; xác lập các chuyên án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp bắt giữ đảm bảo kịp thời, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chống thất thu ngân sách.

Tính đến ngày 15/11/2015, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đẩy mạnh phối hợp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, bắt giữ, xử lý 186.989 vụ việc vi phạm (tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2014); số thu nộp NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 11.535 tỷ 863 triệu đồng (tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2014); khởi tố 1.123 vụ đối với 1.281 đối tượng. Trong đó, lực lượng hải quan thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 19.360 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN ước đạt 1.746 tỷ 829 triệu đồng; khởi tố 27 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 87 vụ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư