Quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) giúp doanh nghiệp chủ động được kế hoạch kinh doanh, đầu tư, sáng tạo và năng động hơn trong quá trình hoạt động. Ảnh: Nhã Chi |
Phát huy sự chủ động, nhạy bén, sáng tạo của doanh nghiệp
Nhận xét về những điểm mới của Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty DVL Ventures cho rằng, khi Luật có hiệu lực thi hành, việc đầu tiên nhìn thấy đó là “luồng gió mới” trong hoạt động mua sắm mà các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động đấu thầu sẽ được đón nhận.
Theo đại diện Công ty DVL Ventures, sau nhiều năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19. Khắc phục tình trạng này, Luật Đấu thầu năm 2023 có những điều chỉnh, bổ sung quy định tạo thuận lợi cho DN với việc tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.
Cụ thể, Luật tối đa hóa việc thực hiện thủ tục đấu thầu trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia để rút ngắn thời gian; cắt giảm nhiều thủ tục cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng thực hiện trước đó nhằm tiết kiệm thời gian đấu thầu. Toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu đều thực hiện thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bao gồm cả bảo lãnh dự thầu điện tử, bảo lãnh thực hiện hợp đồng điện tử, hợp đồng điện tử…
Về phạm vi điều chỉnh đối với DNNN, ông Chung cho rằng, những quy định tại Luật Đấu thầu 2023 cho phép DN có vốn đầu tư của Nhà nước dưới 50% và các DN có DNNN góp vốn dưới 100% sẽ được quyền tự chủ kinh doanh hoặc đầu tư theo cách của DN. Việc thực hiện theo cơ chế thị trường sẽ giúp DN chủ động được kế hoạch kinh doanh, đầu tư, sáng tạo và năng động hơn trong quá trình hoạt động.
Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nhấn mạnh, sự chủ động có vai trò cực kỳ quan trọng, thậm chí quyết định, đối với hiệu quả kinh doanh mọi DN. Vì thế, Luật Đấu thầu mới có những quy định “thấu cảm” hoạt động của DN.
Ông Cường cho biết, PTSC là DN có 51% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Trong lần sửa đổi này, Luật làm rõ phạm vi áp dụng đối với DNNN theo hướng vừa chặt chẽ vừa thông thoáng, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. “Sửa đổi này hướng đến phát huy sức sáng tạo, chủ động, sự nhạy bén, bảo đảm quyền tự chủ, định đoạt của các DN cổ phần trong việc nắm bắt cơ hội thị trường”, đại diện PTSC nói.
Đối với thúc đẩy mua sắm xanh, khuyến khích sản xuất trong nước, khuyến khích đổi mới sáng tạo… hướng tới đấu thầu bền vững, Luật Đấu thầu 2023 tiến thêm một bước khi bổ sung cơ chế ưu đãi trong đấu thầu.
Làm gì để đưa chính sách vào cuộc sống?
Đánh giá cao những nội dung mới của Luật Đấu thầu (sửa đổi), song nhiều ý kiến cho rằng, để các chính sách này đi vào cuộc sống, hỗ trợ thực sự cho DN trong quá trình thực hiện đấu thầu mua sắm công thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Để ưu đãi trở thành động lực tạo nên hiệu quả, cần có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước đối với các sản phẩm sản xuất trong nước và phải kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Đồng thời cần thêm hành lang pháp lý về DN khởi nghiệp sáng tạo hay phát triển các dự án đổi mới sáng tạo trong thời gian tới
Luật sư Nguyễn Hồng Chung nhấn mạnh, để Luật đi vào cuộc sống, các văn bản hướng dẫn luật tới đây cần cụ thể hóa các nội dung để giúp chủ đầu tư, bên mời thầu và cả DN có cơ sở triển khai.
Nhằm phát huy tinh thần cải cách của Luật mới với việc phân định rõ phạm vi áp dụng đối với DNNN, ông Chung cho rằng, các DNNN phải bỏ tâm lý e dè, sợ sai khi thực hiện, đồng thời các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng cần phải hiểu đúng quy định này để không làm khó DN như trước đây.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm nhìn nhận, quản lý, giám sát dòng vốn đầu tư của Nhà nước sao cho chặt chẽ, hiệu quả là một câu hỏi khó, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Thực tế ở Việt Nam hiện vẫn còn tình trạng thất thoát, tham nhũng, thiếu minh bạch, thiếu hiệu quả trong hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không tạo điều kiện để DN tăng quyền chủ động, tự do trong sản xuất, kinh doanh.
“Việc xây dựng cơ chế giám sát phải dựa trên thực tế, áp dụng tinh thần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Cơ quan quản lý cần phải có những biện pháp tạo thuận lợi cho DN, nhưng không được bỏ qua các hành vi vi phạm”, ông Tú nêu quan điểm.
Để chính sách thúc đẩy mua sắm xanh, khuyến khích sản xuất trong nước, khuyến khích đổi mới sáng tạo… đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng, nhận thức chưa đầy đủ của các bên về những dự án này đang là điểm yếu. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ của DN trong nước vẫn còn hạn chế, công nghệ lạc hậu, do đó, các chủ đầu tư/bên mời thầu e ngại sử dụng. “Do vậy, để ưu đãi trở thành động lực tạo nên hiệu quả, cần có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước đối với các sản phẩm sản xuất trong nước và phải kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Đồng thời cần thêm hành lang pháp lý về DN khởi nghiệp sáng tạo hay phát triển các dự án đổi mới sáng tạo trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hồng Chung đề nghị.
Được biết, cụ thể hóa những chính sách sẽ góp phần “nâng bước DN”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các bên liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn để Luật Đấu thầu (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống.