Lựa chọn nhà thầu bảo trì đường bộ phải minh bạch

(BĐT) - Việc thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cho tất cả gói thầu bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ là một bước tiến trong công tác bảo trì đường bộ, khắc phục được tình trạng “lọt” nhà thầu yếu kém do cơ chế chỉ định thầu trước đây.
Cuộc họp của Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tổ chức ngày 6/10 tại Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: Tuấn Dũng
Cuộc họp của Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tổ chức ngày 6/10 tại Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: Tuấn Dũng

Tại Cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) diễn ra ngày 6/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: Việc thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cho tất cả gói thầu bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ là một bước tiến trong công tác BTĐB, khắc phục được tình trạng “lọt” nhà thầu yếu kém tham gia BTĐB do cơ chế chỉ định thầu trước đây.

Đấu thầu là bước tiến trong bảo trì đường bộ

Báo cáo tại Cuộc họp, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, công tác bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa định kỳ hệ thống quốc lộ được thực hiện với 19.406 km/22.369 km tổng chiều dài quản lý (có 2.963 km đã được Bộ GTVT bàn giao cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để triển khai các dự án hoặc các tuyến BOT do các DN BOT trực tiếp quản lý, đầu tư và vận hành khai thác). Tính đến hết tháng 9/2016 đã tổ chức đấu thầu 123 gói thầu quản lý, bảo dưỡng quốc lộ thực hiện trong 3 năm 2015 - 2017 với tổng giá trị hợp đồng hơn 1.305 tỷ đồng. Theo đó, công tác bảo dưỡng, sửa chữa này sẽ được thực hiện đối với 741 km đường cao tốc; 5.869 cầu; 8 hầm đường bộ và 8 phà vượt sông nhằm đảm bảo sự bền vững của công trình và bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trên các tuyến quốc lộ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá, việc thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cho tất cả gói thầu bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ là một bước tiến trong công tác BTĐB; đồng thời cũng tránh được việc “tiền trong túi ta, ta lấy ta làm, ta nghiệm thu”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong việc sử dụng Quỹ BTĐB theo ông Nghĩa vẫn là chi sao cho đúng, hiệu quả đầu tư phải đặt lên hàng đầu, công khai, minh bạch những dự án, nhà thầu được lựa chọn thực hiện công tác bảo trì để người dân thấy được từng đồng tiền của họ “rót” vào Quỹ BTĐB là có địa chỉ rõ ràng, cụ thể và cần thiết.

Nhấn mạnh yêu cầu minh bạch trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu BTĐB, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo: “Trong quá trình lựa chọn phải có danh sách ngắn các nhà thầu, nhà thầu được lựa chọn phải đảm bảo các tiêu chí đặt ra, tránh thất thoát và ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn đóng góp để BTĐB của người dân”. 

Đảm bảo sự giám sát của người dân

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá: “Với tư cách đại diện cho người tiêu dùng, nộp phí BTĐB để mua dịch vụ sử dụng đường bộ, tôi nhận thấy trong gần 4 năm từ khi thành lập Quỹ BTĐB, chất lượng hệ thống đường bộ đã tốt hơn rất nhiều, người dân bỏ tiền vào Quỹ và đổi lại đã được sử dụng những cung đường êm thuận hơn”. Cũng theo ông Thanh, đặc thù của Quỹ BTĐB là người dân bỏ tiền trực tiếp để mua dịch vụ sử dụng đường, chính vì thế việc sửa chữa những tuyến đường, cầu, hầm hỏng hóc, yếu kém về chất lượng cần phải kịp thời, phải “rót” tiền đúng lúc để sửa chữa những hư hỏng đột xuất.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thông tin, các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, chi 1 đồng cho bảo trì, bảo dưỡng đường bộ thì sẽ tiết kiệm được 3 đồng khi phải đầu tư xây dựng mới các tuyến đường. Vì vậy, việc đầu tư cho sửa chữa, bảo dưỡng đường bộ là hết sức cần thiết và phải kịp thời thì mới đảm bảo được tính hiệu quả. Tuy nhiên, ông Trường cũng nhấn mạnh, việc sử dụng Quỹ ra sao, thực hiện chi như thế nào phải được giải trình cụ thể và minh bạch đến người dân – những người bỏ tiền ra để mua dịch vụ đường bộ.

Đề cao tính công khai, minh bạch trong việc thu, chi Quỹ BTĐB, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu, các hoạt động của Quỹ BTĐB phải được thông tin rộng rãi để đảm bảo sự giám sát của người dân.

Chuyên đề