Những ngày qua, hàng chục người dân từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước liên tục tìm kiếm chỗ ở, nơi tạm trú của đối tượng Lê Thị Thái Hà, sinh năm 1991, đăng ký thường trú ở phường 7, thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Đây là đối tượng được người dân cho rằng đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn lừa gạt, chiếm đoạt của họ hàng chục tỷ đồng.
Theo phản ánh của những nạn nhân, Lê Thị Thái Hà thuê một nhà trọ tại phường 4, thành phố Tân An, để giao dịch, mua bán hàng mỹ phẩm.
Sau một thời gian kinh doanh Thái Hà không trả tiền gốc và lãi đã nhận của khách hàng, buộc họ phải đến đòi tiền thường xuyên. Vì vậy, Hà phải di chuyển chỗ ở xuống xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, để trốn.
Người bị hại đã tìm được chỗ trọ mới nhưng vẫn không gặp được Hà và họ gửi đơn đến cơ quan điều tra tố cáo hành vi lừa đảo.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Gấm, tử ở phường 5, thành phố Tân An, một trong số các nạn nhân, cho biết Thái Hà là bạn thân của người cháu. Lợi dụng mối quan hệ đó, Hà rủ bà Gấm mua bán mỹ phẩm.
Từ tháng 5-10/2013, bà Gấm ký tới 59 hợp đồng, chuyển tiền cho Hà 84 tỷ đồng (tính cả lãi và gốc). Sau đó, bà Gấm phát hiện Hà có tính không minh bạch; cho rằng Hà lấy tiền tiêu xài, không trả cho mình, nên yêu cầu dừng hợp tác và trả tiền.
Tháng 3/2014, bà Gấm thấy Hà hẹn quá lâu không trả, liền nhờ người thân ở Hà Nội, Đà Nẵng đi xác minh những hợp đồng bà đã ký với các công ty (bà chỉ ký hợp đồng, còn mọi giao dịch đều do Hà quản lý).
Tuy nhiên, việc xác minh cho thấy các công ty này không ký hợp đồng với Thái Hà và không biết Hà là ai. Bà Gấm đến nhà đòi tiền, nhưng Hà đã biến mất. Hiện bà Gấm đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng xử lý.
“Trong quá trình góp vốn, Hà lấy tiền của tôi góp vốn cho hợp đồng lần sau trả lãi cho hợp đồng lần trước. Cứ thế, Hà giữ tiền gốc và chiếm đoạt của tôi hơn 3,7 tỷ đồng, chưa tính lãi trong tất cả các hợp đồng đã ký," bà Huỳnh Thị Gấm, bức xúc, cho biết thêm.
Chị Huỳnh Thị Thanh Điền, trú ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An, chia sẻ trước đó, chị làm nhân viên ở một ngân hàng trên địa bàn thành phố Tân An.
Hà là cháu ruột của anh rể chị Điền. Hà đã mời chị cùng tham gia mua, bán hàng mỹ phẩm Thái Lan vì Hà không đủ vốn. Thấy kinh doanh lãi trong tầm tay, chị Điền nghỉ làm việc ở ngân hàng và góp vốn kinh doanh cùng Hà.
Sau gần 10 lần ký hợp đồng góp vốn, chị Điền không lấy ra được đồng nào, phải đóng tiền liên tục lên đến hơn 6 tỷ đồng nên quyết định không kinh doanh tiếp, rút lãi và vốn.
Lúc này, Hà trả lời là việc vận chuyển hàng hóa bị chậm là do bị lực lượng Hải Quan Thành phố Hồ Chí Minh bắt và giữ hàng. Hà đề nghị chị Điền đợi thêm vài tháng. Do chị Điền đòi liên tục, Hà trả lại được 1 tỷ đồng và trốn mất.
Một nạn nhân khác, anh Chu Trung Dũng, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết gia đình kinh doanh buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có mua, bán khẩu trang.
Trong đợt dịch COVID-19, Lê Thị Thái Hà liên lạc với anh qua Facebook, cho biết công ty đang có số lượng lớn khẩu trang giá rẻ. Anh Dũng lập tức chuyển tiền đặt cọc theo hợp đồng giao dịch trên Facebook, Zalo và thống nhất với nhau qua số điện thoạ, Zalo.
Đến khi anh chuyển tiền đặt cọc xong, Hà nói đã chuyển hàng, nhưng thật ra không giao hàng và sau đó cắt liên lạc. Tổng số tiền anh đã đặt cọc là hơn 130 triệu đồng. Hiện anh Dũng cũng đã gửi đơn đến cơ quan điều tra Long An tố cáo Hà.
Dưới vỏ bọc là đại lý chuyên phân phối các mặt hàng mỹ phẩm, nước hoa, sản phẩm làm đẹp cho các nhãn hàng nổi tiếng, Lê Thị Thái Hà đã khiến nhiều nạn nhân sập bẫy. Thái Hà đã chiếm đoạt của các nạn nhân số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Hà tiếp tục chuyển hướng sang kinh doanh các mặt hàng khan hiếm như khẩu trang y tế, cồn, nước rửa tay, lừa người tiêu dùng và nhiều chủ đại lý trên khắp cả nước.
Phương thức lừa đảo của Hà là chào hàng, thỏa thuận giá cả, tìm cách lấy tiền cọc của khách nhưng không giao hàng. Cụ thể, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, khi mặt hàng khẩu trang khan hiếm trên thị trường, Hà đã dùng các tài khoản trên Facebook, Zalo chào hàng với giá thấp và hứa hẹn cung cấp giá sỉ số lượng lớn.
Khi bên mua đồng ý giá cả và đặt hàng, Hà yêu cầu chuyển tiền đặt cọc rồi Hà làm giả chứng từ xuất kho, giao hàng quay video chứng minh đã giao hàng, nhằm dụ dỗ người mua chuyển tiền. Khi đã nhận được tiền, Hà cắt đứt liên lạc với nạn nhân và chuyển qua con mồi tiếp theo.
Ngoài ra, Lê Thị Thái Hà còn dùng thủ đoạn tạo dựng niềm tin thông qua họ hàng xa, anh chị em họ, bạn bè, các đối tác lớn là đại lý ở khu vực Long An.
Hà chào mời hùn vốn mua bán, hoặc cung cấp hàng hóa sỉ cho đại lý với giá hấp dẫn để các đại lý tham gia. Hà lấy tiền của nạn nhân để trả cho chính họ và xoay vòng với số tiền lời khủng trên sổ sách.
Khi nạn nhân nhận ra điều bất thường hay muốn chốt lại lấy vốn thì sự việc mới dừng lại. Lúc này, Hà đã chiếm đoạt được một số vốn lớn từ nạn nhân và lẩn trốn. Bằng phương thức này Hà đã chiếm đoạt của nhiều nạn nhân với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Theo danh sách từ các nạn nhân cung cấp, những người bị lừa tiền không chỉ sống ở Long An mà còn ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang….
Sau khi biết bị lừa, nạn nhân trình báo sự việc đến các cơ quan chức năng. Song những nạn nhân đều không có đủ chứng cứ thuyết phục vì các tài khoản Zalo, Facebook của Hà đều là những tài khoản không chính chủ; nhiều lệnh chuyển tiền không ghi rõ nội dung; đồng thời, người nhận không chỉ có Thái Hà, mà còn liên quan đến nhiều đồng bọn do Hà chỉ định. Điều này gây khó khăn cho cơ quan điều tra khi xem xét đơn thư tố giác tội phạm.
Hiện những thư tố giác của các nạn nhân đang được các cơ quan điều chức năng tỉnh Long An thụ lý và điều tra, làm rõ./.