Lợi nhuận doanh nghiệp ngành điện sa sút

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù số liệu tiêu thụ điện tăng cao, nhưng mùa báo cáo tài chính quý II/2024 lại chứng kiến kết quả kinh doanh giảm sút của nhiều doanh nghiệp ngành điện. Trong bối cảnh thời tiết khô hạn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các nhà máy thủy điện, tình hình kinh doanh của các nhà máy nhiệt điện cũng kém khả quan do biến động bất lợi của giá nhiên liệu đầu vào.
Thời tiết chuyển sang mùa mưa, lưu lượng nước về các hồ chứa tăng là cơ sở kỳ vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thủy điện phục hồi trong quý III/2024. Ảnh: Tiên Giang
Thời tiết chuyển sang mùa mưa, lưu lượng nước về các hồ chứa tăng là cơ sở kỳ vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thủy điện phục hồi trong quý III/2024. Ảnh: Tiên Giang

Thủy điện gặp khó vì thiếu nước

Công ty CP Thủy điện Sông Vàng - đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Thủy điện An Điềm II (công suất 15,6 MW tại Quảng Nam) - vừa báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan bởi điều kiện thủy văn không thuận lợi. Cụ thể, trong quý II/2024, doanh thu của Thủy điện Sông Vàng giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 3,2 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng 2024, Thủy điện Sông Vàng đạt 27,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với nửa đầu năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 13,6 tỷ đồng, giảm 9%.

Doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong quý II/2024 cũng là tình hình được ghi nhận tại Công ty CP Thủy điện A Vương (trụ sở tại Quảng Nam) với lợi nhuận sau thuế giảm gần 83% so với quý II năm trước. Công ty CP Đầu tư điện lực 3 ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2024 giảm 73% còn 1,1 tỷ đồng do tình hình thời tiết tại khu vực Nhà máy Thủy điện Đăk Pône và Đakrông I ít mưa, tổng sản lượng điện thương phẩm 6 tháng đầu năm giảm 36,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Thậm chí, Công ty CP Thủy điện Sê San 4A - đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Thủy điện Sê San 4A công suất 63 MW tại Gia Lai - vừa báo cáo doanh thu thuần quý II/2024 đạt 38,2 tỷ đồng, giảm gần 54% so với cùng kỳ năm ngoái; lỗ sau thuế 1,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lãi 18,3 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty, trong quý II/2024, thời tiết khô hạn khiến sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước dẫn đến doanh thu, lợi nhuận sụt giảm. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thủy điện Sê San 4A ghi nhận lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng, giảm gần 73% so với cùng kỳ năm 2023.

Công ty CP Thủy điện Hủa Na cũng báo lỗ 10 tỷ đồng trong quý II/2024 khi lưu lượng nước về hồ trong thời gian này đạt bình quân 18,93 m3/s, giảm 45% so với cùng kỳ 2023. Lũy kế nửa đầu năm 2024, Công ty đạt 206 tỷ đồng doanh thu, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ sau thuế 13,9 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bắc Minh là doanh nghiệp thủy điện hiếm hoi báo lãi tăng trong quý II/2024 với lợi nhuận sau thuế tăng 125% so với cùng kỳ 2023, đạt 35,1 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Công ty cho biết, mùa mưa tại lưu vực các nhà máy thủy điện của Công ty (ở Sơn La, Cao Bằng) giai đoạn cuối quý II/2024 cao hơn so với quý II/2023 giúp sản lượng điện tăng 59,8 triệu kWh, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Theo số liệu của EVN, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy điện cả nước giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tháng 5/2024 giảm mạnh nhất, tới 25%. Hiện tượng El-Nino kéo dài, lưu lượng nước về các hồ chứa giảm là nguyên nhân chính khiến các nhà máy thủy điện gặp khó khăn. Tuy vậy, cuối quý II/2024, thời tiết tại nhiều địa phương đã chuyển sang mùa mưa, pha El-Nino có dấu hiệu kết thúc, lưu lượng nước về các hồ chứa tăng là cơ sở kỳ vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thủy điện phục hồi trong quý III/2024.

Chi phí nhiên liệu bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp nhiệt điện

Nhóm doanh nghiệp nhiệt điện được kỳ vọng hưởng lợi nhờ sản lượng huy động cao hơn, nhưng thực tế lợi nhuận của nhiều nhà máy nhiệt điện lại kém khả quan, chủ yếu do áp lực chi phí nhiên liệu (than, khí) tăng.

Tại nhóm nhiệt điện than, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại công bố doanh thu quý II/2024 tăng 77%, đạt 2.469 tỷ đồng nhờ sản lượng điện tăng mạnh khi EVN tăng huy động, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 42% so với quý II/2023, còn 93,8 tỷ đồng, do giá vốn hàng bán (chủ yếu là chi phí nhiên liệu) tăng mạnh và doanh thu tài chính giảm do các khoản lãi tiền gửi và khoản cổ tức nhận về giảm mạnh.

Tương tự, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh báo lợi nhuận sau thuế quý II/2024 giảm 36% so với quý II/2023, đạt 160,4 tỷ đồng. Trong quý, doanh thu bán hàng giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận gộp giảm tới 29,4% chủ yếu do giá than đầu vào tăng.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn đã cung ứng 151,74 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong quý II/2024, các tháng đều ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng báo cáo lợi nhuận sau thuế quý II/2024 giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 276 tỷ đồng do giá than tăng kéo giảm biên lợi nhuận, dù doanh thu sản xuất điện tăng nhờ sản lượng điện cao hơn 16,3 triệu kWh.

Chi phí nhiên liệu tăng cũng là khó khăn của nhóm doanh nghiệp nhiệt điện khí. Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa báo cáo doanh thu thuần trong quý II/2024 giảm 75,9% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 3,34 tỷ đồng, giảm 87,9%. Ông Lê Văn Huy - Tổng giám đốc Công ty cho biết, trong quý II/2024, do nhu cầu phụ tải hệ thống, các tổ máy của Công ty ít được huy động và chạy phát điện với mức tải thấp nên suất tiêu hao cao.

Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (PVPNT2) ghi nhận doanh thu 2.186 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 nhưng chi phí nhiên liệu tăng đẩy giá vốn lên cao và kéo biên lợi nhuận gộp giảm mạnh. Khấu trừ chi phí, Công ty báo lãi sau thuế 122 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, PVPNT2 đã báo lỗ kỷ lục 158 tỷ đồng trong quý I/2024, khiến lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng âm 36 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh khó khăn của các nhà máy điện khí như PVPNT2 là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) giảm trong nửa đầu năm nay với doanh thu 6 tháng ước đạt 15.822 tỷ đồng, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế ước đạt 657 tỷ đồng, giảm 29,3%. PV Power cho biết, việc giá điện thị trường toàn phần (FMP) bình quân thấp hơn giá biến đổi bình quân nhiên liệu đã ảnh hưởng đến khả năng chào giá, vận hành các nhà máy điện khí của PV Power.

Bên cạnh kết quả kinh doanh sụt giảm, tình hình tài chính - dòng tiền của một số doanh nghiệp ngành điện đang gặp khó khăn do khoản phải thu tiền bán điện tăng cao trong bối cảnh EVN gặp khó khăn về tài chính ảnh hưởng tới tiến độ thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư, vận hành và trả cổ tức cho cổ đông, một số doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng nợ vay khiến chi phí lãi vay gia tăng, bào mòn lợi nhuận.

Chuyên đề