Lợi nhuận doanh nghiệp dệt may “teo tóp”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý I/2023 đạt 7,17 tỷ USD, giảm 17,7% (tương ứng giảm 1,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm sâu nhất trong quý I tính từ năm 2009 đến nay, phản ánh rõ trên kết quả kinh doanh quý I/2023 của doanh nghiệp dệt may.
Nhiều doanh nghiệp dệt may giảm cả đơn hàng và đơn giá gia công. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp dệt may giảm cả đơn hàng và đơn giá gia công. Ảnh: Lê Tiên

Khó khăn của ngành dệt may đã sớm được dự báo từ quý II năm ngoái do ảnh hưởng lạm phát toàn cầu và xung đột địa chính trị kéo dài. Bên cạnh đó, sự sụp đổ của các ngân hàng tại Mỹ và châu Âu cũng là những chỉ dấu cho một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể diễn ra trong tương lai. Trước bối cảnh cầu dệt may suy giảm, các doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều thách thức khi thiếu đơn hàng, giảm đơn giá.

Kết thúc quý đầu năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ghi nhận doanh thu bán hàng và lợi nhuận trước thuế sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, doanh thu giảm 14%, đạt 4.209 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ đạt 118 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số 376,7 tỷ đồng quý I/2022. Vinatex cho biết, doanh thu giảm là do thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh 20 - 50%, các đơn vị kinh doanh sợi không có cầu, giá bán sợi chưa được cải thiện. Đánh giá về quý II/2023, Vinatex nhận định diễn biến kinh doanh chưa có dấu hiệu cải thiện, dự kiến doanh thu quý II ở mức 4.338,8 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế thấp hơn nhiều so với quý I, chỉ khoảng 58,1 tỷ đồng.

Doanh số và giá bán bình quân thấp do các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng cũng là nguyên nhân khiến doanh thu quý I/2023 của Công ty CP Sợi Thế Kỷ chỉ bằng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 287,88 tỷ đồng. Doanh thu giảm mạnh nên dù trong kỳ Công ty đã tiết giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng không cải thiện được lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 2,817 tỷ đồng, bằng 3,1% so với quý I/2022.

Đối với ngành sợi, khả năng khó khăn sẽ kéo dài đến hết năm 2023. Ngoài khó khăn từ cầu yếu, doanh nghiệp ngành sợi còn gặp áp lực suy giảm xuất khẩu vào thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 50 - 60% tổng lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam) do Trung Quốc đang có chính sách hỗ trợ với ngành này sau khi mở cửa trở lại.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Đặng Triệu Hòa - Tổng giám đốc Công ty CP Sợi Thế Kỷ dự kiến tình hình đơn hàng quý II/2023 không nhiều do các thương hiệu lớn (Nike, Adidas) không có đơn hàng nhiều cho mùa thu đông 2023. Công ty đang triển khai đơn hàng cho mùa xuân hạ 2024, thời gian giao hàng từ tháng 6 - 11/2023.

Khảo sát kết quả kinh doanh quý I/2023 của nhiều doanh nghiệp dệt may khác cho thấy tình hình hết sức khó khăn. Đơn cử, Công ty CP May Sông Hồng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 637,4 tỷ đồng và 38,7 tỷ đồng, chỉ bằng 49,3% và 36,2% so với thực hiện quý I/2022; Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 1.270 tỷ đồng và 56,6 tỷ đồng, giảm tương ứng 5,5% và 27,5%; Doanh thu của Tổng công ty Việt Thắng đạt 383 tỷ đồng (giảm 15,5%), lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 3,56 tỷ đồng.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích báo cáo của các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới, Vinatex nhận định, tổng cầu dệt may thế giới trong kịch bản kinh tế thế giới suy giảm (không suy thoái) dự báo chỉ quanh mức 700 tỷ USD, thấp hơn năm 2020 - thời điểm xảy ra dịch Covid-19 do không còn nhu cầu đồ bảo hộ. Trong trường hợp kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, tổng cầu dệt may chỉ quanh mức 650 tỷ USD, giảm khoảng 13% (tương ứng 100 tỷ USD) so với năm 2022.

Ngoài nhu cầu suy giảm, ngành dệt may trong nước còn bị ảnh hưởng bởi chi phí điện tăng, rủi ro lãi suất cho vay tăng trở lại nếu lạm phát vượt mục tiêu 4,5%. Đối với ngành sợi, khả năng khó khăn sẽ kéo dài đến hết năm 2023. Ngoài khó khăn từ cầu yếu, doanh nghiệp ngành sợi còn gặp áp lực suy giảm xuất khẩu vào thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 50 - 60% tổng lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam) do Trung Quốc đang có chính sách hỗ trợ với ngành này sau khi mở cửa trở lại.

Chuyên đề