Tính đến hết kỳ kế hoạch năm 2016, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương là 9.557,6 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi |
Nhà thầu càng lớn, nợ càng nhiều
Suốt nhiều năm qua, nợ đọng XDCB vẫn là bài toán chưa có lời giải của nhiều doanh nghiệp. Tại Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, tính đến 31/5/2017, chủ đầu tư còn nợ DN này số tiền hơn 1.653 tỷ đồng. Trong đó, nợ năm 2017 là 439 tỷ đồng, năm 2016 là 542 tỷ đồng, năm 2015 là 254 tỷ đồng, năm 2014 là 162 tỷ đồng, năm 2013 là 157 tỷ đồng, và nợ năm 2012 về trước là 97 tỷ đồng. Cùng với giá trị sản xuất dở dang còn chưa được nghiệm thu là 991 tỷ đồng, hiện tổng số nợ tồn đọng của tổng công ty này lên tới 2.644 tỷ đồng.
Còn tại Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, mặc dù nợ đọng XDCB có xu hướng giảm dần (thời điểm 31/12/2014 là 2.346 tỷ đồng; đến 31/5/2015 giảm xuống còn 1.182 tỷ đồng) nhưng vẫn là một con số khá lớn, khiến DN này gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Nợ đọng XDCB đang ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, kế hoạch tài chính và nguồn vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp, nhà thầu. Theo các nhà thầu, nguyên nhân nợ đọng XDCB là do nhu cầu đầu tư phát triển của xã hội cao, nhiều dự án xây dựng quy mô tăng lên chóng mặt; một số công trình, dự án đã thực hiện không thể cân đối nguồn vốn, kịp thời bố trí để thanh toán khối lượng hoàn thành. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là vấn đề kỷ cương sử dụng vốn đầu tư XDCB chưa nghiêm, các quy định về XDCB bộc lộ nhiều bất cập đã khiến cho nhiều dự án không thể thanh, quyết toán được, dẫn đến nợ đọng.
Cần những giải pháp căn cơ
Đề xuất về giải pháp hạn chế phát sinh nợ đọng XDCB, ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Phúc Hưng Holding cho rằng, phải công khai nguồn vốn của các dự án/công trình, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thực hiện bảo lãnh thanh toán từ 20 - 30% vốn thực hiện dự án/công trình.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nợ đọng XDCB có thể chưa là nợ xấu, mà chỉ là khoản ghi nợ vì “con nợ” là Nhà nước. Tuy nhiên, để giải quyết được thì cần phải có nhiều giải pháp căn cơ. Nhiều nhà thầu đã kiến nghị, cần thay đổi chế độ bảo lãnh thanh toán từ phía chủ đầu tư đối với nhà thầu để đảm bảo tính công bằng giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Ngoài ra, trách nhiệm của nhà thầu đối với chủ đầu tư cũng cần được thực hiện bình đẳng giữa hai bên trong hợp đồng để nhà thầu không phải chịu trách nhiệm đối với thủ tục phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, không bị giữ lại tiền chờ quyết toán.
Thông tin về các chính sách giảm nợ đọng XDCB, ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định đầy đủ nội dung liên quan đến hợp đồng xây dựng như tiền, nghĩa vụ, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các chủ thể liên quan trong hợp đồng xây dựng. Nghị định đã quy định một số chế tài với các chủ thể để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng trong hoạt động xây dựng đúng theo quy định của pháp luật và theo cơ chế thị trường, cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Tại nghị định này, đáng chú ý là quy định chủ đầu tư phải có bảo lãnh cho việc thanh toán.
Tuy nhiên, hiện một số quy định tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP vẫn chưa phù hợp với cơ chế thị trường, trong đó có quy định chủ đầu tư phải bảo lãnh việc thực hiện thanh toán hợp đồng với nhà thầu.