Nhà thầu thi công Dự án Đường vành đai III giai đoạn 2 Hà Nội, đoạn Mai Dịch – hồ Linh Đàm vẫn đang đợi tiền thưởng |
Cho đến thời điểm này, sau hơn 3 năm kể từ khi đề xuất thưởng cho 2 liên danh nhà thầu thi công vượt tiến độ của Dự án Đường vành đai III giai đoạn 2 Hà Nội đoạn Mai Dịch – hồ Linh Đàm được chủ đầu tư trình lên các cơ quan quản lý theo điều khoản hợp đồng, số tiền dự kiến trao thưởng vẫn nằm yên trong tài khoản của Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long).
Cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vẫn chưa phản hồi về tờ trình của PMU Thăng Long đề nghị phê duyệt mức thưởng trị giá 173,72 tỷ đồng cho các nhà thầu này.
Cần phải nói thêm, đây không phải là vấn đề mới, thậm chí đã nhiều lần được Bộ GTVT xin ý kiến của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong suốt 3 năm qua. Ngoài lý do chưa có tiền lệ trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng tại Việt Nam, các bộ ngành còn chưa thống nhất phương pháp tính thưởng, quy mô giá trị thưởng.
Hiện, áp lực phải sớm chi trả thưởng đối với chủ công trình là khá lớn, khi nhà thầu thi công gói thầu số 2 là Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) đã gửi thông báo yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán giá trị tiền thưởng gói thầu số 2.
Theo ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc PMU Thăng Long, số tiền này đã được Bộ Xây dựng thống nhất, đồng thời được đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra, được Bộ GTVT chấp thuận về nguyên tắc.
Trước đó, năm 2013, sau khi Dự án vành đai 3 hoàn thành (đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm), PMU Thăng Long từng kiến nghị Bộ GTVT phê duyệt khoản thưởng gần 180 tỷ đồng cho các nhà thầu vượt tiến độ.
Cụ thể, liên danh Samwhan (Hàn Quốc) - Cienco4 được đề nghị thưởng 77,7 tỷ đồng vì hoàn thành sớm gói thầu số 1 (đoạn Mai Dịch - Trung Hòa) trước 263 ngày; Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) được đề xuất thưởng 102 tỷ đồng vì vượt tiến độ gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) 454 ngày.
Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng giá trị của việc rút ngắn tiến độ 2 hợp đồng mang lại lên tới 1.499,3 tỷ đồng, trong đó giá trị lợi ích kinh tế xã hội là 1.441,7 tỷ đồng; chi phí tiết kiệm của các hợp đồng xây lắp (9,66 tỷ đồng), hợp đồng tư vấn (44,07 tỷ đồng). Căn cứ điều khoản của hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, trong trường hợp vượt tiến độ, nhà thầu được thưởng 1,12% giá trị hợp đồng cho mỗi 28 ngày rút ngắn, nhưng không quá 12% giá trị lợi ích mang lại, giá trị thưởng tối đa cho các nhà thầu có thể lên tới 173,93 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, việc phê duyệt, thanh toán tiền thưởng cho nhà thầu là thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, phù hợp với quy định hiện hành, không nằm trong các khoản không được thanh toán quy định trong hiệp định vay đã ký và được nhà tài trợ chấp thuận.
Mặt khác, thưởng tiến độ thực tế là để bù đắp một phần chi phí nhà thầu bỏ ra để thúc đẩy tiến độ thi công, nên bản chất cũng là chi phí xây lắp bổ sung. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính thanh toán số tiền thưởng nêu trên cho các nhà thầu từ nguồn vốn vay JICA.
Theo một chuyên gia, lập luận của Bộ GTVT là có cơ sở, bởi Luật Xây dựng và Nghị định số 48/2010/NĐ-CP đều xác nhận, việc thưởng phạt vi phạm hợp đồng cần được thể chế trong hợp đồng, thể hiện sự sòng phẳng trách nhiệm giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Trong khi đó, tại văn bản gần nhất để xử lý vấn đề này, mặc dù thống nhất sử dụng vốn vay JICA tại Dự án để thanh toán tiền thưởng như là một trường hợp cá biệt, nhưng Bộ Tài chính cho rằng, việc tính thưởng căn cứ giá trị lợi ích kinh tế - xã hội (chủ yếu mang lại cho chủ phương tiện tham gia giao thông) là không hợp lý. Chủ đầu tư (bên trả thưởng) không thể có nguồn để thưởng cho nhà thầu theo phương án của Bộ GTVT.
Dù sao thì giá trị lợi ích mang lại từ việc rút ngắn tiến độ 2 gói thầu là không thể phủ nhận. “Cần sớm chi trả để không làm mất đi ý nghĩa của này”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam phân tích.