Nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ đã được đưa ra tại Chương trình cafe doanh nhân sáng ngày 15/12, tại Hà Nội. |
20 năm nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ”
Thực trạng các chung cư cũ ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM đang gây không ít nguy hiểm cho cư dân, đi ngược lại xu hướng phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Giải quyết bài toán này, thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được ban hành, song vẫn chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Lý do là còn nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai cải tạo chung cư cũ như: Chưa có sự đồng thuận trong phương án đền bù, tái định cư; công tác giải phóng mặt bằng; quy định khống chế quy hoạch chiều cao xây dựng chung cư ở khu vực các quận trung tâm…
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam ví von: “Nếu dùng hình ảnh quả bom nổ chậm khi nói về vấn đề của chung cư cũ, thì chúng ta đang có đến gần 600 quả bom nổ chậm như thế”.
Theo ông Huỳnh, Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp được ban hành vào năm 2007. Nghị quyết đề cập rất hay về mục tiêu, chính sách, giải pháp nhưng việc triển khai Nghị quyết này lại không khả thi. Năm 2014, Bộ Xây dựng đã trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở năm 2014, trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Năm 2015, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… “Tuy nhiên, chúng ta vẫn loay hoay thúc đẩy tiến độ các chung cư cũ. Vậy vấn đề này đang bị tắc ở chỗ nào?", ông Huỳnh đặt câu hỏi.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Reenco Sông Hồng cho rằng, với việc cải tạo chung cư cũ, làm sao mà doanh nghiệp có lãi và người dân phải có lợi. Hiện nay, trong nội đô có quy định không được tăng mật độ xây dựng, không được tăng mật độ dân số. Mặc dù Hà Nội đã có cơ chế đặc thù giao cho các tập đoàn lớn, tổng công ty nhưng vẫn chưa triển khai được nhà ở xã hội khi cải tạo các chung cư cũ, vì không được tăng chiều cao, không được tăng dân số thì không có lời…
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Công ty Bất động sản Hanhud chỉ ra, bài toán khó hiện nay đó là làm thế nào để giải quyết được bài toán lợi ích giữa doanh nghiệp thực hiện và người dân. Đây cũng là những khó khăn tồn tại trong thời gian vừa qua, khiến cho hoạt động cải tạo chung cư cũ vẫn dậm chân tại chỗ.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, vấn đề cải tạo chung cư có 3 chữ là: Lớn (phạm vi toàn xã hội) – Khó (liên quan đến việc đan xen lợi ích) – Phức tạp (đụng chạm nhiều ngành, nhiều đối tượng) nên đây đã trở thành vấn đề rất nóng thời gian qua.
Đâu là giải pháp?
“Hiến kế” thúc đẩy tiến độ cải tạo các chung cư cũ, đảm bảo quy hoạch, nâng cao chất lượng đời sống người dân nhiều ý kiến tại Tọa đàm đã được đưa ra. Ông Điệp gợi ý: “Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước xung quanh như Trung Quốc. Khi bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ, người ở tầng 1 được di chuyển đến nơi đền bù được một căn nhà kinh doanh và nhà ở; với người sinh sống trên các tầng cao có nhà ở và cho thuê”.
Về quy hoạch, trong quận có khu chung cư cũ các cấp chính quyền cần có biện pháp cân đối nơi nào cải tạo không được phép tăng chiều cao, tăng mật độ dân số và ngược lại nơi nào chung cư được phép tăng chiều cao, tăng mật độ dân số để xây khu mới đưa người dân ra.
Đại diện Công ty Bất động sản Hanhud Đính đề xuất, chúng ta cần có cơ chế chính sách của Nhà nước để làm hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Theo đó, chúng ta cần giao quyền cho UBND TP. Hà Nội để có sự chủ động trong việc thực hiện cải tạo chung cư cũ, dưới sự giám sát, kiểm tra, vào cuộc của các cấp cao hơn như Chính phủ. Đồng thời, phải làm lại các bản quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch chi tiết về cải tạo chung cư cũ, đảm bảo quy hoạch này phải phù hợp với quy hoạch chung tại khu vực đó. Dựa trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể tiến hành cải tạo chung cư cũ luôn thay vì phải tiếp tục phải xin quy hoạch.
Cho rằng không nên tiếp tục loay hoay trong tình huống hiện tại, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh giải pháp cần định ra giá thị trường trên cơ sở đánh giá phân loại các khu chung cư để khoanh vùng cải tạo. Song song với đó, muốn kêu gọi sự tham gia của nhà đầu tư cần có cơ chế rõ ràng.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang lắng nghe tiếp thu ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa những quy định chưa hoàn thiện đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án cải tạo chung cư cũ và người dân được đảm bảo an sinh./.