Loạt dự án rối ren vì thủ tục “làm khổ” nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại TP.HCM, nhiều dự án đầu tư công đã và đang gặp khó do thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Nhà thầu thi công trong tình trạng bị động, khó huy động tối đa nhân sự, thiết bị, trong khi chủ đầu tư phải chờ văn bản trả lời, hướng dẫn của cơ quan, sở ngành.
Công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) dự kiến thông xe trong năm 2024. Ảnh: Tiến Lực
Công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) dự kiến thông xe trong năm 2024. Ảnh: Tiến Lực

Công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông TP.HCM làm Chủ đầu tư khởi công vào tháng 4/2020. Dự án có tổng mức đầu tư 830,067 tỷ đồng, với 2 gói thầu xây lắp, gồm: Gói thầu XL1 do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát thi công. Gói thầu XL2 do Liên danh Công ty CP Phát triển và Xây dựng thương mại Thuận An - Tổng công ty Thăng Long - Công ty CP Hải Đăng đảm nhận.

Gói thầu XL1 có giá trị 253.860.858.717 đồng, đến nay giá trị thực hiện mới đạt 22.150.799.655 đồng, chưa tới 10%. Hiện các nhà thầu đang thực hiện ép cọc đại trà từ đốt hầm H10P đến H11P. Dự kiến sẽ hoàn thành thông xe nhánh HC1 trước ngày 31/12/2024. Gói thầu XL2 có giá trị 262.971.329.652 đồng, đến nay giá trị thực hiện đạt 166.709.124.104 đồng. Các hạng mục đã thi công xong gồm phần kết cấu các đốt hầm H1T đến H18T, đốt hầm kín, cống hộp, kết cấu trạm bơm và cọc bê tông cốt thép của các đốt hầm kín. Dự kiến sẽ hoàn thành thông xe nhánh hầm HC2 trước ngày 31/7/2024.

Dự án thực tế được phê duyệt từ năm 2017, thời gian triển khai là 2017 - 2018. Tháng 3/2022, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án sang năm 2024 và đến nay vẫn đang tiếp tục thi công.

Theo Chủ đầu tư, nguyên nhân khiến Dự án chậm tiến độ là thời gian trình, phê duyệt thiết kế - dự toán công tác di dời, tái lập của 4 tuyến ống cấp nước kéo dài 30 tháng do nhiều lý do. Đầu tiên là sự chuyển đổi chức năng quản lý cấp nước từ Sở GTVT sang Sở Xây dựng. Sự chuyển đổi này kéo theo việc xác định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh, thay đổi thủ tục, mất thời gian (30 tháng). Hình thức di dời, tái lập hệ thống cấp nước chưa được hướng dẫn rõ trong quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn. Đồng thời, chưa có hướng dẫn phương pháp xác định giá trị chênh lệch giữa công trình cấp nước di dời, tái lập và công trình cấp nước hiện trạng.

Một trường hợp chậm tiến độ nữa là Dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 4 (sông Sài Gòn - khu vực biệt thự Lý Chiêu Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn) có tổng mức đầu tư 380,569 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2012. Trong đó, Gói thầu Xây dựng công trình phần dưới nước (thảm đá) được khởi công từ năm 2014, khối lượng thi công đạt 93% giá trị hợp đồng, nhưng phải ngừng thi công từ năm 2015 do vướng mắc giải phóng mặt bằng, đến tận ngày 29/9/2023 mới hoàn thành. Do vướng mặt bằng, công tác thi công gặp nhiều khó khăn, ngưng trệ, bị tái lấn chiếm mặt bằng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công trình.

Tại Dự án Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, do vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật, quá trình thi công của 2 liên danh gói thầu XL1, XL2 đều khó khăn. Nhiều nhà thầu thi công thuộc 2 liên danh bị phạt hành chính như Cienco4, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, TNHH Xây dựng Thành Phát…

Tại Dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, Công ty CP Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương đã thi công hơn 90% giá trị, nhưng không có mặt bằng để tiếp tục hoàn thiện. Công tác thi công ngưng trệ từ 2015 đến nay.

2 dự án nói trên có thể xem là điển hình của thực trạng dự án đầu công cấp bách trên địa bàn TP.HCM nhưng tiến độ lại ngưng trệ, kéo dài do vướng mắc nhiều thủ tục, trách nhiệm điều phối lỏng lẻo từ chủ đầu tư.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai, đến nay TP.HCM có khoảng 193 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, cần đẩy nhanh thủ tục để kịp giải ngân khoảng 28.500 tỷ đồng. Trong đó, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng có 55 dự án với số vốn cần giải ngân là 17.731 tỷ đồng. Còn lại là vướng mắc liên quan đến thủ tục về môi trường (20 dự án); vướng mắc thủ tục điều chỉnh quy hoạch (41 dự án)…

Đặc biệt, trong số 193 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, có 43 dự án với tổng vốn hơn 3.100 tỷ đồng được các chủ đầu tư xác định không có khả năng giải ngân trong năm 2024. Những dự án này đang vướng các thủ tục ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Cụ thể, theo Sở KH&ĐT TP.HCM, có 2 dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng cần Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các địa phương đẩy nhanh thủ tục và bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công dự án. 23 dự án vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 và 1/2000. Hiện các dự án này đang thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc và 9 quận, huyện, TP. Thủ Đức...

Những khó khăn khách quan khiến nhiều nhà thầu rơi vào tình thế bị động, không thể thi công, thậm chí bị phạt do chậm tiến độ. Một số nhà thầu trong số bị xử phạt chia sẻ, đấu thầu đã khó, nhưng triển khai dự án đi đến thành công còn khó hơn nhiều. Nhà thầu thiệt đơn thiệt kép, cả về tài chính và uy tín trong những gói thầu rối ren vì thủ tục.

Chuyên đề