Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng

(BĐT) - Sáng ngày 27/3, Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng UNDP tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019).
 
TS. Catherine Phương, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về PCTN. Ảnh Bích Thủy
TS. Catherine Phương, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về PCTN. Ảnh Bích Thủy

Giới thiệu những nội dung mới của Dự thảo Nghị định, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, phạm vi điều chỉnh của Luật được mở rộng đối với cả khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; kiểm soát tài sản, thu nhập. Quốc hội giao cho Thanh tra Chính phủ xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật. Những ý kiến đóng góp tại hội thảo này sẽ là tiền đề xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định có chất lượng, hiệu quả, có tính khả thi, đồng bộ và đi vào cuộc sống. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu thực tế về phòng ngừa tham nhũng, cũng như tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng nhấn mạnh tới 3 nhóm giải pháp, gồm chế độ cung cấp thông tin; chế độ báo cáo; các hình thức xử phạt hành vi tham nhũng.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua trong việc PCTN, bà Akiko Fujii - Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đã phê chuẩn Công ước PCTN của Liên Hợp Quốc năm 2009; sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 bao gồm những thay đổi lớn trong chính sách xử lý hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng; và thông qua Luật PCTN mới vào năm 2018 với việc mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực tư nhân. Tất cả những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu 16 của Chương trình nghị sự 2030 vì Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức là một trong những chỉ số chính”.

“Tham nhũng là một trong những vấn nạn cản trở lớn nhất trong quá trình tiến tới đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030. Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực, nhưng ước tính hàng năm có khoảng 3,6 nghìn tỷ USD bị thất thoát do tham nhũng. Đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt hơn”, đại diện UNDP nhấn mạnh.

Theo bà Akiko Fujii, đây cũng là một trong những lý do Việt Nam được UNDP lựa chọn hỗ trợ thông qua Dự án Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN do Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh tài trợ. Hội nghị này là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án.

Chuyên đề