Đưa tiêu chí ngoài quy định pháp luật, nhà thầu phản đối
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Khu dân cư khu vực núi Mồ Côi, phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn (giai đoạn 3). Gói thầu có giá 1,523 tỷ đồng.
Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), một nhà thầu đã có văn bản kiến nghị điều chỉnh tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm được cho là không tuân thủ quy định pháp luật đấu thầu.
Cụ thể, đối với tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, HSMT yêu cầu: “Nhà thầu đã thực hiện hoàn thành hoặc hoàn thành 80% khối lượng hợp đồng giám sát xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp III trở lên, bao gồm các hạng mục: san nền, giao thông, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, điện chiếu sáng, đường dây và trạm biến áp, có giá trị hợp đồng tối thiểu 761 triệu đồng; hoặc hợp đồng hạ tầng kỹ thuật, cấp III trở lên, bao gồm các hạng mục: san nền, giao thông, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy có giá trị hợp đồng tối thiểu 598 triệu đồng và hợp đồng năng lượng cấp IV có hạng mục đường dây và trạm biến áp có giá trị hợp đồng tối thiểu 163 triệu đồng”. Đối với vị trí tư vấn giám sát trưởng, HSMT yêu cầu đã đảm nhận vị trí tương tự tại công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, có giá trị hợp đồng tối thiểu 761 triệu đồng.
Nhà thầu cho biết, mẫu HSMT tư vấn ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT chỉ đưa ra hướng dẫn về việc quy định tương tự về tính chất công việc tương tự, mà không nêu về giá trị hợp đồng tương tự. Do đó, không có căn cứ để Bên mời thầu yêu cầu về khối lượng, giá trị hoàn thành hợp đồng tương tự như trên. Đây là hành vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu 2023.
Ngày 25/6/2024, Gói thầu sẽ được mở thầu.
Hủy thầu để rà soát HSMT
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) vừa ra quyết định hủy thầu Gói thầu Chỉnh lý khoa học tài liệu Phòng Giáo dục và Đào tạo từ năm 2013 trở về trước (giá gói thầu 523 triệu đồng). Theo Chủ đầu tư, việc hủy thầu nhằm mục đích rà soát, điều chỉnh các tiêu chuẩn đánh giá chưa tuân thủ quy định tại HSMT.
Theo tìm hiểu, sau khi phát hành HSMT, một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị Chủ đầu tư loại bỏ các tiêu chí được cho rằng không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật liên quan.
Cụ thể, tại tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, HSMT yêu cầu “nhà thầu cung cấp ít nhất 3 hợp đồng được thẩm định năng lực bởi cơ quan chuyên môn về chỉnh lý tài liệu, có biên bản nghiệm thu xác nhận của cơ quan chuyên môn trong vòng 3 năm tính đến thời điểm đóng thầu”. Các nhà thầu cho rằng, không có căn cứ pháp lý khi đưa ra yêu cầu này, bởi hiện nay không có cơ quan chuyên môn nào có đủ năng lực, chức năng để thẩm định năng lực về chỉnh lý tài liệu.
Về nhân sự, HSMT yêu cầu vị trí chủ nhiệm thực hiện Gói thầu có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm hoặc tối thiểu 7 hợp đồng tương tự, có chứng chỉ hành nghề lưu trữ; nhân sự lập hồ sơ và hệ thống hóa hồ sơ có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm hoặc 4 hợp đồng tương tự, có chứng chỉ hành nghề lưu trữ…
Theo các nhà thầu, Thông tư số 16/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật chỉnh lý tài liệu nền giấy, tại bước phân loại tài liệu, lập hồ sơ và hệ thống hóa hồ sơ chỉ yêu cầu nhân sự là lưu trữ viên bậc 3/9 hoặc tương đương. Do vậy, các yêu cầu về kinh nghiệm nhân sự như tại HSMT là không phù hợp với quy định chuyên ngành, có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023.