Ảnh: Lê Nguyễn |
Do đó, Tòa án yêu cầu làm rõ vai trò bảo lãnh của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin - nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC) và đưa đơn vị này tham gia tố tụng.
Chứng thư bảo lãnh của Vinashin
Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Hồng Anh (SN 1974, tên khác là Lisa Nguyễn), nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Container quốc tế Cas (Cascon) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Công ty Cascon chuyên sản xuất kinh doanh các loại container, linh kiện phục vụ sản xuất container... Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng, ngành vận tải biển có sự phát triển mạnh mẽ kéo theo các ngành nghề phụ trợ như sản xuất container cũng phát triển. Khi đó, Công ty Cascon, với vốn góp từ Vinashin (nay là SBIC) và các đối tác nước ngoài, có nhiều khách hàng là doanh nghiệp vận tải biển.
Để có vốn lưu động sản xuất kinh doanh, Nguyễn Hồng Anh ký 2 hợp đồng tín dụng với VFC, vay số tiền 199,9 tỷ đồng và 3,2 triệu USD. Hợp đồng có 2 biện pháp đảm bảo là thế chấp tài sản và chứng thư bảo lãnh của Vinashin.
Tài sản thế chấp là kho thép cuộn, container bao gồm 658 container thành phẩm, 1087 container bán thành phẩm, 249 cuộn thép, giá trị là 153,7 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận: “Chỉ được xuất kho thế chấp với sự chấp thuận của VFC... Trường hợp tài sản mất giá trị hoặc giảm sút giá trị, bên thế chấp phải bổ sung tài sản thế chấp, thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác hoặc trả nợ trước hạn cho VFC...”.
Nhưng trong giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái, hoạt động vận tải biển không còn đem lại lợi nhuận lớn như trước. Việc sản xuất kinh doanh container của Công ty Cascon gặp khó khăn. Do đó, Nguyễn Hồng Anh đã đề xuất với HĐQT Công ty cho phép bán hàng tồn kho trong đó có hàng hóa thế chấp thuộc 2 hợp đồng nói trên. HĐQT đã chấp thuận tờ trình này, giao Nguyễn Hồng Anh làm việc với VFC để tổ chức thực hiện.
VFC cũng đồng ý bán hàng tồn kho nhưng với điều kiện thanh toán tiền bán hàng trước khi giao hàng và phải trả vào tài khoản của VFC.
Từ ngày 18/3/2010 đến tháng 11/2011, Nguyễn Hồng Anh bán tài sản thế chấp, nhưng không trả đủ tiền cho VFC.
Tại các phiên tòa trước đây, Nguyễn Hồng Anh đã trình bày về việc làm tăng giá trị tài sản bảo đảm thêm 62,5 tỷ đồng, nhưng qua điều tra không có căn cứ để chấp nhận. Sau khi bán hàng trong kho, Hồng Anh chỉ trả cho VFC 10 tỷ đồng. Hàng hóa trong kho hiện còn 4 cuộn thép, 1.087 container bán thành phẩm trị giá 62,5 tỷ đồng. Tính chung, tổng tài sản bảo đảm chỉ còn 74 tỷ đồng trong khi theo hợp đồng thế chấp khối tài sản là 153 tỷ đồng.
Yêu cầu đưa Vinashin tham gia tố tụng
Cơ quan tố tụng xác định, hành vi của bị cáo vi phạm Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng, Nghị định 163 về giao dịch đảm bảo và gây thiệt hại cho VFC số tiền 32 tỷ đồng (gồm 28 tỷ đồng nợ gốc, 4 tỷ đồng nợ lãi).
Tại phiên tòa lần này, cả Hồng Anh và đại diện VFC đều thừa nhận, để đảm bảo các khoản vay thì ngoài hợp đồng thế chấp tài sản còn có chứng thư bảo lãnh của Vinashin. Đây là bảo lãnh vô điều kiện, không hủy ngang.
Bị cáo Hồng Anh trình bày, nếu Vinashin thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (tức trả tiền cho VFC) thì vụ án sẽ không xảy ra và chỉ khi VFC biết Vinashin không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mới ép Cascon phải ký hợp đồng thế chấp.
Cũng tại Phiên tòa, các luật sư đặt ra nhiều vấn đề như: “Tại sao Vinashin không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh? Trách nhiệm của Vinashin trong vụ án? Vinashin có phải người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án?” thì đại diện VFC không trả lời.
Sau 1 ngày làm việc, tòa nhận thấy vụ án còn nhiều điều chưa được làm rõ nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cụ thể, tòa yêu cầu làm rõ khả năng nhận thức của Hồng Anh trước, trong và sau khi phạm tội; làm rõ số tiền bán tài sản thế chấp được sử dụng thế nào…
Đặc biệt, HĐXX yêu cầu làm rõ vai trò bảo lãnh của Vinashin trong vụ án và phải đưa Vinashin tham gia tố tụng.