Lạm phát đan xen giữa những mối lo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ ngày 1/7/2023, quyết định tăng lương cơ sở mới chính thức có hiệu lực. Cùng với lực đẩy này, việc tăng giá điện và một số hàng hóa thiết yếu khác gây lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Sóc Trăng, Hà Nam và Bình Phước vừa có kiến nghị gửi Bộ Tài chính bày tỏ lo ngại “lương chưa tăng nhưng giá cả tăng trước” và đề xuất Chính phủ có giải pháp cụ thể, thiết thực để bình ổn giá.
Lương cơ sở bắt đầu tăng từ 1/7/2023, nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu tăng. Ảnh: Lê Tiên
Lương cơ sở bắt đầu tăng từ 1/7/2023, nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu tăng. Ảnh: Lê Tiên

Theo các kiến nghị này, việc tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023 là điều đáng mừng. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu tăng, cần có giải pháp phù hợp để kiềm chế lạm phát.

Cùng mối quan tâm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên và Thanh Hóa đề nghị Chính phủ có giải pháp kiểm soát và bình ổn giá cả, đặc biệt là giá xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…

Trả lời các kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, những tháng đầu năm 2023, dự kiến còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất, cộng với việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý… có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, để ổn định giá cả thị trường, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường và các địa phương trong việc quản lý giá hàng hoá.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá. Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương, bảo đảm cân đối cung cầu. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bộ Tài chính cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, cần tính toán kỹ phương án giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng quan ngại về lạm phát, báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 2 của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, áp lực lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới với một trong các nguyên nhân là việc tăng lương cơ sở. Thông thường khi lương cơ sở tăng, lạm phát cũng có xu hướng tăng do tâm lý tăng lương gắn với tăng giá hàng tiêu dùng của một bộ phận người kinh doanh tạp hóa, bán lẻ. VNDirect dự báo CPI bình quân của Việt Nam ở mức 4,2 - 4,6% trong quý I/2023.

Biến động giá năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu, cộng với lộ trình tăng giá mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Biến động giá năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu, cộng với lộ trình tăng giá mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Trong khi đó, theo nhận định của TS. Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân, sức cầu Việt Nam đang yếu đi do thu nhập người dân sụt giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, các thị trường tài sản (bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu) có sự sụt giảm mạnh.

“Với mặt bằng lãi suất ở mức cao, chi phí tiêu dùng đắt đỏ hơn và người dân có xu hướng tiết kiệm hơn. Tăng trưởng cung tiền M2 (tổng phương tiện thanh toán) năm 2022 chỉ đạt 3,9%, rất thấp so với 15% của giai đoạn 2019 - 2020 và gần 11% của năm 2021. Yếu tố tiền tệ gây ra lạm phát sẽ giảm rất nhiều trong năm 2023”, ông Thế Anh nói.

Lạm phát là 1 trong 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng được Chính phủ trình Quốc hội thông qua hàng năm. Năm 2023, chỉ tiêu này được xác định ở mức 4,5%.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, năm nay sức ép lạm phát từ giá điện và tăng lương sẽ rõ hơn từ quý II/2023. Tuy nhiên, việc tăng lương chỉ có tác động tâm lý, nên nếu có giải pháp kiểm soát tốt lạm phát tâm lý thì sẽ không tác động quá lớn.

Ở chiều ngược lại, theo ông Việt, yếu tố kéo lùi đà tăng của CPI chính là sức cầu yếu do nhiều khu vực của nền kinh tế khó khăn. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vẫn ở mức dưới 50 điểm cho thấy sức khỏe ngành sản xuất vẫn còn yếu, nên lực cầu của lĩnh vực này chưa thể tăng mạnh trong thời gian tới. Trong lĩnh vực dịch vụ, ngành du lịch không tăng trưởng như kỳ vọng…

Dù vậy, ông Việt cho rằng, vẫn còn một số yếu tố rủi ro gây áp lực với lạm phát. Theo đó, có thể có những cú sốc năng lượng, trong bối cảnh thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại hoặc chiến tranh vẫn căng thẳng. Trong nước, vấn đề xử lý nợ xấu bất động sản và đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống ngân hàng. Vì thế, động thái rút tiền về gần đây của Ngân hàng Nhà nước có thể là nhằm tạo “dư địa” hỗ trợ thanh khoản liên ngân hàng trong mấy tháng tới. “Áp lực lạm phát có thể đến từ quý II, song vẫn có những yếu tố làm giảm áp lực này, khi các cơ quan chức năng tăng tính chủ động trong kiểm soát để kiềm chế tác động đến nền kinh tế”, ông Việt nhấn mạnh.

Chuyên đề