Làm giả sao kê tài khoản, sổ bảo hiểm để vay vốn

(BĐT) - Hàng loạt sao kê tài khoản ngân hàng, sổ bảo hiểm nhân thọ đã bị làm giả để đưa vào hồ sơ tín dụng tiêu dùng. Trong đó nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã bị lợi dụng.
Các bị cáo đã làm giả hàng chục hồ sơ sao kê tài khoản giả của các ngân hàng để bán cho khách hàng thu lợi bất chính. Ảnh: Tường Lâm
Các bị cáo đã làm giả hàng chục hồ sơ sao kê tài khoản giả của các ngân hàng để bán cho khách hàng thu lợi bất chính. Ảnh: Tường Lâm

Làm giả tài liệu đưa vào hồ sơ tín dụng tiêu dùng

Ngày 7/4, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử 7 bị cáo gồm Trần Thị Thiệp (SN 1988, trú tại Hà Nam); Phạm Minh Hoàng (SN 1991, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội); Đinh Văn Hải (SN 1985, trú tại Hải Phòng); Lê Thị Thùy Trang (SN 1992, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội); Lê Hồng Sơn (SN 1975, trú tại Mê Linh, Hà Nội); Đỗ Mạnh Thắng (SN 1997, trú tại Sơn Tây, Hà Nội); Đỗ Thị Hằng (SN 1976, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) vì đã có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để đưa vào hồ sơ tín dụng tiêu dùng. 

Theo tài liệu truy tố, các bị cáo Thiệp, Hoàng, Hải, Trang là các nhân viên, cộng tác viên của một công ty tài chính được giao nhiệm vụ là nhân viên tín dụng: tiếp xúc, hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ vay vốn. Quá trình làm việc, các nhân viên này nhận thấy có một số khách hàng có nhu cầu không đủ điều kiện vay vốn, không chứng minh được thu nhập, không có hợp đồng lao động, không có sổ bảo hiểm nhân thọ... Để kiếm lời, nhóm nhân viên này cấu kết với các đối tượng bên ngoài gồm Lê Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Thắng, Đỗ Thị Hằng để làm giả các chứng từ như sao kê tài khoản, sổ bảo hiểm nhân thọ... để kiếm lời.

Nhóm nhân viên này yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin như họ tên, năm sinh, địa chỉ, số tài khoản, sao kê tài khoản có dấu đỏ và chữ ký xác nhận thật của ngân hàng, số điện thoại liên hệ...

Sau đó, các tài liệu, thông tin này được chuyển cho đối tượng bên ngoài làm giả con dấu ngân hàng, công ty bảo hiểm bằng cách sử dụng máy scan và in mẫu dấu thật bằng máy in màu và tự “chế” ra các thông tin giao dịch trong sao kê tài khoản để khách hàng đủ điều kiện vay vốn. Các sao kê tài khoản giả này được đưa vào hồ sơ vay vốn.

Các bị cáo đã thỏa thuận với khách hàng và thu từ 1 – 3 triệu đồng “phí dịch vụ” làm hồ sơ giả. Từ tháng 5/2015 đến tháng 11/2015, các bị cáo đã làm giả hàng chục hồ sơ sao kê tài khoản, sổ bảo hiểm nhân thọ giả của các ngân hàng và công ty bảo hiểm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Agribank, TienphongBank, VIB, Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi để bán cho khách hàng thu lợi bất chính.

Ngày 11/12/2015, khi Phạm Minh Hoàng mang số sao kê tài khoản giả đã được làm xong để giao cho khách hàng thì bị Cơ quan công an bắt giữ cùng với tang vật gồm Giấy chứng nhận, hợp đồng nhân thọ của Prudential, xác nhận đóng phí, giấy chứng nhận bảo hiểm và 4 sao kê tài khoản Vietcombank, 5 phiếu xác nhận thông tin tài khoản lương. Tất cả đều là tài liệu giả.

Đỗ Thị Hằng khai rằng do số lượng nhiều Hằng không nhớ cụ thể, chính xác về thời gian làm những tài liệu giả trên và số tiền đã nhận từ khách hàng cũng như số tiền đã trả cho Sơn. Hằng chỉ nhớ được số tiền mỗi bộ hồ sơ nhận của khách hàng từ 800.000 - 1.000.000 đồng; tổng số tiền nhận từ khách hàng khoảng 56 - 70 triệu đồng.

Theo cáo trạng, ngoài các hồ sơ giả đã xác minh được, các bị cáo còn khai ra các trường hợp thuê làm hồ sơ giả khác nhưng nhiều người không xác minh được nhân thân. Đối với các đối tượng liên quan này, cơ quan điều tra đã triệu tập ghi lời khai của 16 người có liên quan đến việc sử dụng tài liệu giả. Các đối tượng liên quan là khách hàng vay vốn thừa nhận có việc thuê, nhờ các bị cáo hướng dẫn và giúp làm các thủ tục hồ sơ để vay vốn ngân hàng. Với tài liệu chứng cứ thu thập được, chưa đủ căn cứ để kết luận, xử lý với số đối tượng nói trên, Cơ quan điều tra đã quyết định tách phần tài liệu này để tiếp tục xác minh, điều tra xử lý sau. 

Cấu kết với đối tượng nghiện ma túy

Với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Phạm Minh Hoàng cùng 4 bị cáo liên quan lần lượt bị tuyên phạt từ 24 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 36 tháng tù giam.
Quá trình triệt phá vụ án và khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Hồng Sơn, cơ quan công an còn thu giữ hơn 4 gram ma túy “đá”. Nguồn gốc số ma túy này được xác định là trong một lần Sơn và Thắng lên Thái Nguyên thăm bạn đã mua về để sử dụng dần. Lê Hồng Sơn và Đỗ Mạnh Thắng không chỉ bị truy tố theo cùng tội danh với 5 bị cáo trong vụ án mà còn bị xét xử thêm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Sau 1 ngày xét xử, TAND TP. Hà Nội cho rằng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm đối với xã hội vì đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức và xâm phạm đến trật tự quản lý chất ma túy của Nhà nước.

Trên cơ sở đó và sau khi cá thể hóa trách nhiệm của từng bị cáo, HĐXX sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt Lê Hồng Sơn 5 năm 6 tháng tù, Đỗ Mạnh Thắng 5 năm tù về cả 2 tội danh bị truy tố. Với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Phạm Minh Hoàng cùng 4 bị cáo liên quan lần lượt bị tuyên phạt từ 24 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 36 tháng tù giam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư