Ký trước, báo cáo sau có đúng?

(BĐT) - Ngày 19/3, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm ra xét xử trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Ông Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử
Ông Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử

Theo cáo buộc, tháng 9/2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank trao đổi, bàn bạc về việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank. Quá trình thực hiện việc góp vốn, bị cáo Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm trước khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế, PVN đã 3 lần góp vốn vào OceanBank với tổng số tiền 800 tỷ đồng. Hai lần góp vốn đều có nghị quyết của HĐQT trước khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Lần góp vốn cuối cùng đã vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, các cổ đông là pháp nhân chỉ được góp vốn vào ngân hàng 15%.

Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Khánh Trường, nguyên là thành viên HĐQT PVN thừa nhận khi ký nghị quyết chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận nghị quyết đã được ký ban hành trước khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo bị cáo Thăng, việc này không sai. Bởi không có quy định pháp luật nào buộc nghị quyết của Tập đoàn phải ký trước hay ký sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Quan trọng nhất là chuyển tiền thì trước khi chuyển tiền mua cổ phần đều đã có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với lập luận giống bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Vũ Khánh Trường cũng cho rằng việc ký ban hành nghị quyết trước khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là không sai. Nhưng theo bị cáo Trường, nếu làm trọn vẹn thì sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, phải có thêm nghị quyết nữa của HĐTV.

Đáng chú ý, tài liệu vụ án cho thấy, ngày 14/10/2008 Bộ Tài chính có văn bản có ý kiến: “Để đảm bảo tính hiệu quả đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của OceanBank, xác định giá trị thực cổ phiếu của OceanBank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư”.

Theo cơ quan công tố, PVN đã gửi công văn tới OceanBank yêu cầu cung cấp tài liệu, số liệu nhưng OceanBank không trả lời và bị cáo Đinh La Thăng cũng không báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Trả lời về việc này, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, công văn của Bộ Tài chính là để trả lời Thủ tướng Chính phủ, không phải trả lời PVN. Đây chỉ là văn bản mang tính “khuyến cáo” của Bộ Tài chính, chứ PVN không cần phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ hay Bộ Tài chính.

Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định tất cả các nghị quyết của HĐQT do ông ký hoặc ủy quyền ký đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, lần thứ 3 PVN thực hiện góp vốn vào OceanBank là khi Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã có hiệu lực. Theo quy định tại luật này, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Với trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV phải chỉ đạo việc thoái vốn tại OceanBank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 15% nhưng bị cáo Đinh La Thăng không thực hiện.

Thực tế, PVN vẫn tham gia góp vốn lần 3 với số tiền 100 tỷ đồng. Theo bị cáo Đinh La Thăng, khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. PVN là tập đoàn nhà nước nên việc thoái vốn hay góp vốn đều phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

“Thời điểm đó, bị cáo đi công tác, ủy quyền điều hành cho Nguyễn Xuân Thắng, nguyên thành viên HĐQT PVN. Khi bị cáo về, theo quy chế, tổ thư ký báo cáo lại các văn bản, nghị quyết ban hành trong thời gian bị cáo đi vắng nhưng không phải báo cáo một văn bản mà báo cáo nhiều văn bản. Do đó bị cáo không rõ có nghị quyết đó hay không”, bị cáo Đinh La Thăng khai.

Ngày 17/5/2011, PVN chuyển số tiền tăng vốn 100 tỷ đồng từ tài khoản của PVN tại OceanBank vào tài khoản của OceanBank tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải. Sau này, OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc. Do đó, toàn bộ quyền, lợi ích và nghĩa vụ cổ đông PVN tại Ngân hàng này đã chấm dứt.

Chuyên đề