Kinh tế năm 2018 đạt nhiều kỳ tích

(BĐT) - Kinh tế Việt Nam năm 2018 tăng trưởng đạt mức cao nhất trong 11 năm qua với nhiều kỳ tích trong một số lĩnh vực. Những kỳ tích này đã tạo dựng những động lực làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
GDP năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất trong 11 năm qua. Ảnh: Lê Tiên
GDP năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất trong 11 năm qua. Ảnh: Lê Tiên

Đạt mức tăng trưởng cao với nhiều kỳ tích

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, GDP năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất trong 11 năm qua. Để có được mức tăng trưởng này, phải kể đến sự đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng (tăng 8,85%, đóng góp 48,6%); khu vực dịch vụ (tăng 7,03%, đóng góp 42,7%).

Khu vực nông, lâm và thủy sản đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua, khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 12,98%, cao hơn nhiều so với mức tăng trong các năm 2012 - 2016, đóng góp tới 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực dịch vụ năm 2018 cũng tăng 7,03%, cao hơn giai đoạn 2012 - 2016.

Một điểm sáng khác là xuất nhập khẩu. Ước tính cả năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa thiết lập kỷ lục mới với 482,2 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 7,2 tỷ USD, là năm có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước tới nay, cao hơn rất nhiều mức so với 2,1 tỷ USD của năm 2017, vượt xa mục tiêu Quốc hội đề ra là tỷ lệ nhập siêu dưới 3%.

Năm nay, lần đầu tiên Việt Nam giải ngân được 19,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 9,1%. Trong xu hướng số lượng dự án giảm, vốn đăng ký giảm thì thực tế này là một kỳ tích. Ông Lâm cho rằng, với chính sách sàng lọc dự án FDI không có hàm lượng công nghệ, không thân thiện môi trường… thì số lượng dự án giảm là đương nhiên, tuy nhiên khi đó, việc giải ngân các dự án là bao nhiêu và ở các ngành như thế nào mới là quan trọng.

Bên cạnh đó, đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam có số doanh nghiệp thành lập mới năm sau cao hơn năm trước với trên 131.000 doanh nghiệp. Đây là thành tích được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Cùng với đó, lần đầu tiên Việt Nam vượt Singapore về giá trị IPO trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị IPO trong năm 2018 là 2,6 tỷ USD; điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. 

Nền tảng tốt cho năm 2019

Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ông Nguyễn Bích Lâm dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Theo đó, yếu tố thương mại toàn cầu suy giảm, cạnh tranh chiến lược diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch... là những thách thức đối với kinh tế thế giới và gây ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.

Song, bên cạnh những thách thức, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nền kinh tế trong năm 2018 đã tạo dựng các động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng năm 2019. Đơn cử, các hiệp định thương mại tư do (FTA) đã ký kết sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ sẽ là nền tảng quan trọng, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới.

Quan trọng hơn, ông Dương Mạnh Hùng thuộc Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, có nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019. Dự kiến năm 2019, bên cạnh hơn 3 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại, nhiều dự án, công trình lớn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh như: Tổ hợp Nhà máy Vinfast tại Hải Phòng; Nhà máy Điện sông Hậu; Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn; Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan… sẽ là những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2019.

Cùng với đó, số lượng khách quốc tế đến nước ta ngày càng tăng cao là thị trường tiềm năng tạo động lực cho khu vực sản xuất, dịch vụ và tăng trưởng năm 2019.

Chuyên đề