Kiểm soát vấn nạn tham nhũng vặt: Đã đến lúc hành động quyết liệt hơn

(BĐT) - Phòng chống tham nhũng là một trong những vấn đề “nóng” đang được dư luận và cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất quan tâm, bởi đây là một rào cản lớn trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.
Thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thị trường còn nhiều phiền hà. Ảnh: Đức Duy
Thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thị trường còn nhiều phiền hà. Ảnh: Đức Duy

Chi phí không chính thức vẫn ở mức cao

Tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) quan ngại rằng, mặc dù chi phí không chính thức có giảm so với năm 2017, nhưng vẫn ở mức cao. 58% DN trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% DN vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn có tới 40% DN cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái DN nhà nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn các DN tư nhân.

Việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng đối với các DN. Có tới trên 30% DN cho biết gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và một số loại giấy tờ khác. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải…

Mặc dù chỉ số tham nhũng năm 2018 tại Việt Nam giảm nhẹ so với năm 2017, nhưng theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), mức giảm điểm này là không đáng kể.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tại Hội thảo tham vấn về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), TS. Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (thuộc Thanh tra Chính phủ) cho rằng, tham nhũng vặt bắt nguồn từ những quy định không rành mạch, rõ ràng, gây khó dễ cho người dân, DN trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Vì các thủ tục nộp thuế, nộp phạt... quá lòng vòng, rắc rối, nên nhiều người dân và DN chọn cách đi ngắn nhất là thông qua “cò” nộp thuế, “cò” nộp phạt...

Một tồn tại khác là cơ chế xin - cho, không chỉ giữa người dân với Nhà nước, mà còn giữa Nhà nước với Nhà nước. Người dân, DN muốn đạt được việc gì thì phải “chạy”, đầu tư và kinh doanh dựa vào mối quan hệ.

Theo kết quả khảo sát của VCCI về mức độ hài lòng của DN đối với thủ tục xuất nhập khẩu năm 2018, nếu không chi trả chi phí “ngoài luồng” này cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước thì các DN sẽ bị phân biệt đối xử, kéo dài thời gian làm thủ tục, gây khó khăn trong lần làm thủ tục sau, hay yêu cầu nộp thêm giấy tờ, chứng từ không theo quy định... 

Tham nhũng vặt cản trở phát triển bền vững

Theo bà Akiko Fujii - Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, tham nhũng là một trong những vấn nạn cản trở lớn nhất trong quá trình tiến tới đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực, nhưng ước tính hàng năm có khoảng 3,6 nghìn tỷ USD bị thất thoát do tham nhũng. Đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt hơn.

Để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng vặt, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Thanh tra Chính phủ cho rằng, một trong những nội dung quan trọng là cần “gọi tên” từng hành vi tham nhũng trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCTN.

Chia sẻ kinh nghiệm PCTN tại Hàn Quốc, bà Catherine Phương - Trợ lý  Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu tất cả các DN hoạt động tại nước này phải chuyển đổi các giao dịch tiền mặt thực hiện qua điện tử, chỉ được sử dụng thẻ tín dụng trong một số mục đích được quy định.

“Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chính phủ điện tử để tránh việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và DN với cán bộ công chức, viên chức nhà nước thì chắc chắn chi phí không chính thức sẽ giảm đi”, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Chuyên đề