Không được đưa ra điều kiện hạn chế sự cạnh tranh trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đây là một trong những quy định tại Dự thảo Thông tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu (HSMT) mua sắm hàng hoá đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến.
Hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP không được nêu nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ. Ảnh: Lê Tiên
Hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP không được nêu nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ. Ảnh: Lê Tiên

Cụ thể, khi lập, thẩm định, phê duyệt HSMT gói thầu mua sắm hàng hóa, tổ chức, cá nhân phải áp dụng mẫu HSMT mua sắm hàng hóa kèm theo Thông tư này và căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế…

Đặc biệt, HSMT không được đưa ra các điều kiện hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử, trừ trường hợp đấu thầu nội khối theo quy định tại Điều 4 và Điều 15 Nghị định số 95/2020/NĐ-CP và điểm c khoản này.

Cùng với đó, HSMT không đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng ký kết thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng với cơ quan mua sắm một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể hoặc nhà thầu phải có kinh nghiệm cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ trong lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó như là tiêu chí để loại nhà thầu…

Thông tư này hướng dẫn việc lập HSMT mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo CPTPP vừa ban hành cuối tháng 8/2020.

Chuyên đề