Không để tái diễn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Hồ hởi và hối hả làm hàng” là miêu tả về không khí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) dược, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế (TTBYT) trong những ngày này, sau khi Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP được ban hành. Mặc dù vậy, nhiều DN vẫn lo lắng vì tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, TTBYT xảy ra trong thời gian qua có thể tái diễn, nếu như không có giải pháp căn cơ trong dài hạn.
nhiều DN vẫn lo lắng vì tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, TTBYT xảy ra trong thời gian qua có thể tái diễn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
nhiều DN vẫn lo lắng vì tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, TTBYT xảy ra trong thời gian qua có thể tái diễn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bà Trần Ngọc Ánh, thành viên Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đánh giá cao những giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, TTBYT của Chính phủ. Nhưng theo bà Ánh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, TTBYT không thể khắc phục được ngay một sớm một chiều. Bởi vì DN còn phải đặt hàng, chờ sản xuất, vận chuyển, tham dự thầu… Có thể, phải mất 2 tháng nữa mới khắc phục được cơ bản.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đề nghị Bộ Y tế xem xét và đẩy nhanh tốc độ thẩm định và cấp giấy phép đăng ký lưu hành (ĐKLH) với TTBYT loại C và D; đề nghị các bộ ngành giải quyết dứt điểm vấn đề thanh toán chi phí BHYT cho những dịch vụ chụp chiếu, xét nghiệm thực hiện qua máy đặt, máy mượn ở cấp độ luật hoặc nghị định để việc thực thi pháp luật có hiệu quả và thiết thực. EuroCham cũng mong muốn, thay vì công bố danh mục cấp phép và gia hạn ĐKLH hàng tháng, Bộ Y tế xem xét phê duyệt duy trì sớm cho tất cả các thuốc hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Thời gian từ nay đến khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực (ngày 1/1/2024) còn lại rất ít, chỉ có hơn 9 tháng để chuẩn bị và triển khai các điều khoản mới. Trong đó, chính sách “cởi trói” về mô hình đặt máy tại các cơ sở y tế (CSYT) công lập nhận được sự đồng thuận rất cao của cộng đồng DN và các CSYT, nhưng theo kiến nghị của EuroCham gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), để có thể triển khai được, Bộ Y tế phải sớm có văn bản hướng dẫn. Đồng thời, các văn bản pháp luật có liên quan khác cũng phải được rà soát chặt chẽ để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Khám, chữa bệnh. Trong đó, cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định hướng dẫn về mô hình liên doanh, liên kết…

Ngoài ra, một số DN và hiệp hội tỏ ra lo ngại về việc Nghị quyết số 30/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành cho phép CSYT được nhận TTBYT theo hình thức hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm cả TTBYT liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng), dẫn đến DN tặng máy được ưu tiên hơn DN khác khi đấu thầu.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng đề xuất một số giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, TTBYT tái diễn.

Theo đó, EuroCham và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho rằng, đối với Luật Dược, cần xem xét sửa đổi theo hướng bãi bỏ thủ tục gia hạn giấy ĐKLH thuốc, nguyên liệu làm thuốc; áp dụng cơ chế tham chiếu trong cấp phép ĐKLH thuốc mới, sinh phẩm mới và vắc xin. Các quy định về kê khai và rà soát giá cần cụ thể và được xây dựng trên nguyên tắc xác thực, chính xác như kê khai của DN, bảo đảm tôn trọng quyền lợi của cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dược để xác định và cạnh tranh về giá.

Đối với việc phân loại TTBYT, mục đích là để sàng lọc mức độ rủi ro cao hay thấp của TTBYT. Lấy ví dụ với máy xét nghiệm đường huyết, DN hoạt động nghiêm túc sẽ làm hồ sơ ĐKLH cho loại TTBYT C và D (có mức độ rủi ro cao) và thường phải chịu thua thiệt vì phải chờ đợi thủ tục cấp phép rất lâu. Trong khi đó, một số DN “lách” luật bằng cách trà trộn TTBYT loại C và D vào nhóm A và B (có mức độ rủi ro thấp) để tránh bị kiểm duyệt gắt gao, hàng hóa được lưu thông nhanh, nhưng lại không bị pháp luật “sờ gáy”.

Theo đại diện Công ty CP Y tế Đức Minh, kể từ năm 2017 cho đến nay, gần như không có một DN nào bị phạt vì hành vi kê khai không trung thực, vấn đề quản lý chất lượng dường như bị bỏ ngỏ. “Điều này là bất công với các DN làm ăn đàng hoàng, triệt tiêu tính cạnh tranh lành mạnh, tăng rủi ro cho đơn vị mua sắm và ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh”, đại diện DN trên nói.

Hay là với việc phân nhóm TTBYT từ 1 đến 5 theo tiêu chuẩn chất lượng từ cao đến thấp, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang TTBYT cho phép TTBYT nhóm cao (nhóm 2) có thể tham dự nhóm thấp hơn (nhóm 3, 4, 5). Việc “nhảy nhóm” này khuyến khích tính cạnh tranh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, một số bên mời thầu vẫn không dám chọn khác với yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Chuyên đề