Đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư dự án trạm thu phí không dừng là giải pháp để có mức giá cung cấp dịch vụ ETC cạnh tranh, hợp lý nhất. Ảnh: Nhã Chi |
Thu phí không dừng có sức hấp dẫn như thế nào khiến một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực viễn thông như Viettel cũng lao vào cuộc? Với cách làm như hiện nay, mục tiêu minh bạch hoạt động thu phí của trạm BOT qua thu phí tự động liệu có đạt được?
Miếng bánh ngon
Liên danh Công ty CP TASCO - Công ty CP VETC (Tasco - Vetc) là nhà đầu tư đầu tiên nhảy vào thị trường cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng trên toàn quốc – giai đoạn 1 áp dụng cho quốc lộ (QL) 1 và đường HCM đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Tháng 1/2016, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt với hình thức lựa chọn nhà đầu tư là chỉ định thầu, tổng mức đầu tư lên tới 1.524 tỷ đồng.
Đầu tư như trên, Tasco -Vetc được gì? Với phương án hoàn vốn được nêu tại Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư số 596/QĐ-BGTVT ngày 1/3/2016, việc đầu tư công nghệ thu phí tự động không dừng trung bình mỗi trạm khoảng 54,4 tỷ đồng, trong khi doanh thu các trạm BOT trong cả vòng đời dự án nhiều trạm lên tới vài nghìn tỷ đồng, thì phí ETC thu lại có lẽ là món hời không nhỏ.
Lấy ví dụ 4 dự án BOT của Tập đoàn Đức Long Gia Lai thuộc đường HCM đoạn qua Tây Nguyên, chính nhà đầu tư công bố trên trang thông tin điện tử doanh thu thu phí 4 trạm có thể lên tới 600 - 700 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi trạm thấp là 150 tỷ đồng/năm. Phí ETC tính ở mức thấp nhất là 8%, tương đương 13,5 tỷ đồng/năm.
Miếng ngon tất có nhiều người nhòm ngó. Chỉ 3 tháng sau khi Tasco - Vetc được lựa chọn, Bộ GTVT phê duyệt đề xuất dự án Thu phí tự động không dừng đối với các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam và do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ vốn theo hình thức hợp đồng BOO. Đề xuất dự án này do Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng VIETIN lập với kinh phí đầu tư sơ bộ khoảng 2.122 tỷ đồng.
Công ty hạ tầng VIETIN được thành lập từ 4/2016 với 3 cổ đông sáng lập, trong đó có Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Đèo Cả.
Và đến thời điểm này, thị trường thu phí tự động không dừng tiếp tục có thêm sự quan tâm của ông lớn viễn thông Viettel.
Không dành cho tất cả!
Việc trở thành nhà đầu tư dự án xây dựng trạm thu phí tự động không dừng có thể là thuận lợi với nhà đầu tư này, có thể là vô cùng khó khăn với nhà đầu tư khác.
Không thuận lợi như Tasco - Vetc (được chỉ định thầu), theo thông tin từ Ban QLDA An toàn giao thông - Bộ GTVT, đơn vị giữ vai trò bên mời thầu Dự án do VIETIN đề xuất, dự án này sẽ phải đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Đến thời điểm này, báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đang được gửi đi xin ý kiến các bộ liên quan. Tuy sẽ đấu thầu rộng rãi, nhưng thật khó cho các nhà đầu tư khác có thể nhảy vào khi một trong những điều kiện được đưa ra là nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng phải làm việc với nhà đầu tư BOT (chủ các trạm thu phí BOT), các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho dự án BOT để có văn bản đồng ý tham gia dự án, nhằm đảm bảo pháp lý và cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Với điều kiện này, VIETIN đang ưu thế hơn hẳn các nhà đầu tư khác, vì nhiều trạm thuộc dự án này do VietinBank tài trợ vốn và Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là nhà đầu tư BOT.
Trường hợp của Tasco - Vetc và VIETIN, nhà đầu tư BOO thực hiện các dự án thu phí tự động không dừng có mối quan hệ mật thiết với nhà đầu tư BOT nhiều trạm thuộc Dự án. Với Liên danh Tasco - Vetc, Tasco chính là nhà đầu tư BOT nhiều trạm trong danh sách các trạm mà nhà đầu tư này thực hiện dự án thu phí tự động không dừng. Với VIETIN, 2 cổ đông Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là những cái tên không hề xa lạ với VietinBank. VietinBank là một trong những ngân hàng cam kết cung cấp tín dụng lớn nhất cho các dự án BOT. Còn Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là nhà đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả và một số dự án BOT khác trên QL 1 đoạn qua miền Trung, trong đó nhiều dự án do VietinBank là ngân hàng cung cấp tín dụng lớn nhất.
Với trường hợp này, nhà đầu tư thực hiện thu phí tự động không dừng sẽ được lợi cả đôi đường, vừa có lợi nhuận từ dự án BOO, vừa không bị nhà đầu tư BOO khác giám sát nguồn thu phí trạm BOT của mình. Vấn đề minh bạch nguồn thu phí trạm BOT - một trong những lợi ích của thu phí tự động không dừng, trong trường hợp này liệu có đảm bảo cao nhất?
Trường hợp Viettel và Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), trước mắt có vẻ hai bên không có quan hệ về tiền nong trong quá khứ và Viettel có thể giám sát một cách công khai, minh bạch được nguồn thu phí dự án. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn cần đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư dự án trạm thu phí không dừng trên những tuyến đường BOT do VEC làm chủ đầu tư để có mức giá cung cấp dịch vụ ETC cạnh tranh, hợp lý nhất.