Khởi tố 33 vụ án, 74 đối tượng về tội tham nhũng

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Ông Thái Sinh, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Quốc
Ông Thái Sinh, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Quốc

Xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp triển khai, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, toàn diện các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng; tổ chức nhiều hội nghị để quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; các văn kiện Đại hội XI của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) "một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. 

Hàng năm, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung rà soát thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ; đến nay bộ thủ tục hành chính đã được ban hành và tiếp tục được rà soát, đánh giá sự phù hợp để tiếp tục hoàn thiện. 

Đặc biệt, năm 2015 được xác định là năm đột phá về cải cách thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo cắt giảm 1/2 thời gian và 1/3 thành phần hồ sơ thủ tục hành chính (tính đến ngày 31/8/2015, số thủ tục giảm 731/1.341 thủ tục, đạt tỷ lệ 56,7%; số thành phần hồ sơ giảm 1.377/5.633 thành phần hồ sơ hiện có, đạt tỷ lệ 24,4%; thời gian giảm 12.081 ngày/21.971 ngày thực hiện, đạt tỷ lệ 55%) đã tạo thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp được giải quyết công việc kịp thời. 

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Quốc

Từ năm 2008 đến nay, đã tổ chức cho 69.912 lượt đối tượng thực hiện kê khai, đạt tỷ lệ 100%, các đơn vị đã tổ chức công khai bản kê khai theo đúng quy định. Hà Tĩnh là một trong những địa phương được Thanh tra Chính phủ đánh giá hoàn thành tốt công tác kê khai tài sản, thu nhập và báo cáo đúng thời gian theo quy định.

Trong 10 năm qua, toàn ngành Thanh tra Hà Tĩnh đã tổ chức 4.924 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 38.672 lượt đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, phát hiện sai phạm 306.842 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 139.850 triệu đồng, cắt giảm không thanh toán 134.920 triệu đồng, xử lý khác 32.072 triệu đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 112 người. Trong đó, Thanh tra tỉnh đã tiến hành 119 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 155.324 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 75.063 triệu đồng, cắt giảm không thanh toán 68.674 triệu đồng, xử lý khác 11.587 triệu đồng.

Ngoài ra, toàn tỉnh đã tiếp nhận 12.712 đơn tố cáo; giải quyết 8.673/8.572 vụ (đạt tỷ lệ 98%). Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi vào ngân sách Nhà nước số tiền 12.444 triệu đồng, 40.227m2 đất, minh oan và bảo vệ quyền lợi cho hàng chục công dân.

Từ năm 2005 đến nay, các ngành: Công an, Viện Kiểm sát, Toà án 2 cấp đã phối hợp khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với 33 vụ, 74 đối tượng về tội tham nhũng. Trong đó, số người bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng gồm 4 người đứng đầu và 3 cấp phó.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng đã được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện song song với việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, mới chỉ đạt 67%. Tổng số tiền các đối tượng nhận hối lộ, tham ô, chiếm đoạt từ các hành vi tham nhũng là 11.696 triệu đồng, nhưng đến nay mới chỉ thu hồi được 7.836 triệu đồng.

Trong thời gian tới, toàn ngành Thanh tra Hà Tĩnh sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng với nội dung, hình thức phù hợp với từng loại đối tượng; gắn với tập huấn, phổ biến các cách thức, giải pháp thực hiện phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; động viên, khen thưởng kịp thời các nhân có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời phải xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng tố cáo để vu khống, làm mất ổn định tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như: Tổ chức cán bộ, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, khoáng sản...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư