Khó khăn bủa vây, nhiều nhà thầu “bỏ ngang” hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, nhiều nhà thầu xin chấm dứt thực hiện hợp đồng do khó khăn về tài chính, không còn năng lực để thực hiện. Nguyên nhân là sau khi trúng thầu, có nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện như: chậm bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư chậm thanh toán khối lượng đã thực hiện cho nhà thầu, giá vật tư, vật liệu tăng cao… nên nhà thầu “kiệt quệ” về tài chính, càng làm càng lỗ.
Thời gian gần đây, nhiều nhà thầu xin chấm dứt thực hiện hợp đồng do khó khăn về tài chính, không còn năng lực để thực hiện. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Thời gian gần đây, nhiều nhà thầu xin chấm dứt thực hiện hợp đồng do khó khăn về tài chính, không còn năng lực để thực hiện. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mới đây, Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau thông báo chấm dứt hợp đồng Gói thầu số 56 Thi công xây dựng công trình đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật đường số 7 thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng chung các công trình lĩnh vực y tế tại TP. Cà Mau do Công ty TNHH MTV Dịch vụ - Xây dựng Vũ Hùng thực hiện.

Hợp đồng Gói thầu số 56 được ký kết vào tháng 6/2022 với giá 8,521 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 360 ngày, hợp đồng trọn gói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phan Thành Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau cho biết, Gói thầu gặp khó khăn về mặt bằng thi công do một số hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng không hợp tác. Gần đây, đã tháo gỡ được cơ bản và bàn giao được 60% mặt bằng, nhưng Nhà thầu Vũ Hùng lại gặp khó khăn về tài chính, nhân sự nên xin không thực hiện hợp đồng. Chủ đầu tư sẽ rà soát lại hồ sơ mời thầu và dự kiến mời thầu lại toàn bộ khối lượng công việc của Gói thầu trong quý I/2024.

Ông Hoàng Khánh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ - xây dựng Vũ Hùng cho biết, việc xin dừng thi công Gói thầu số 56 là bất đắc dĩ do Công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính, đội ngũ kỹ sư và người lao động (dự kiến huy động thực hiện Gói thầu) đã đồng loạt nghỉ việc.

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) thông báo chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng công trình đường giao thông nông thôn thôn A Liêng - thôn A Rớt (giai đoạn 3), lý trình Km2+572,7 - Km5+026 với Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Nguyên Trung. Gói thầu được ký hợp đồng trọn gói vào cuối tháng 12/2018 với thời gian thực hiện 270 ngày, giá trúng thầu 11,103 tỷ đồng.

Ông Hồ Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất huyện Đông Giang cho biết, nguyên nhân chấm dứt hợp đồng là Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Nguyên Trung không đáp ứng yêu cầu về tiến độ, vi phạm về bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trung Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Nguyên Trung cho biết, Nhà thầu đã thi công được khoảng 80% khối lượng công việc. Thời gian qua, do không có nguồn lực, cùng với việc Chủ đầu tư chậm thanh toán hoặc không chịu thanh toán nhiều khối lượng công việc đã thi công, nên tài chính của Nhà thầu gặp khó khăn. Đến nay, Chủ đầu tư yêu cầu Nhà thầu thi công tiếp nhưng lại không điều chỉnh đơn giá cho phần khối lượng còn lại. Thời gian thi công công trình kéo dài nhiều năm, càng làm càng lỗ nên nhà thầu đành “dừng bước”.

Chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đại diện một số nhà thầu cho biết, với đơn giá định mức lạc hậu, phi thị trường như hiện nay, chỉ cần tính chi phí đất đắp và cát, đá, xi măng thôi đã nhìn thấy lỗ. Không chỉ vậy, với việc thời gian thi công kéo dài, thua lỗ sẽ càng trở nên trầm trọng do tốc độ trượt giá vật liệu thi công. Đặc biệt là với hình thức hợp đồng trọn gói, nhà thầu không có cách gì để được thanh toán các khối lượng công việc phát sinh. Với các nhà thầu lớn, tiềm lực tài chính mạnh thì còn có thể bù lỗ, còn với nhà thầu nhỏ thì chỉ cần “sa lầy” ở một công trình là sẽ “không đứng dậy được”.

Theo một chuyên gia, việc phải chấm dứt hợp đồng giữa chừng là điều không mong muốn của cả nhà thầu và chủ đầu tư. Quá trình thực hiện hợp đồng phát sinh nhiều khó khăn, trong đó có cả lỗi từ phía chủ đầu tư như thanh toán chậm, chậm bàn giao mặt bằng thi công… Trong trường hợp này, nếu nhà thầu từ chối thực hiện hợp đồng hay “bỏ ngang” hợp đồng, chủ đầu tư cũng không thể xử phạt. Tuy nhiên, dù lỗi từ phía nhà thầu, chủ đầu tư hay cơ chế thì hệ lụy từ các hợp đồng bị “bỏ ngang” vẫn là tiến độ công trình dở dang từ năm này sang năm khác, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư