Khẩn cấp khắc phục sự cố cầu Ghềnh

(BĐT) - Liên quan đến vụ sà lan đâm làm sập trụ cầu Ghềnh đường sắt trên sông Đồng Nai, sáng ngày 21/3, tại TP.HCM, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã họp với các đơn vị bàn giải pháp khắc phục.
Bộ GTVT đề nghị huy động tổng lực để rút ngắn thời gian khắc phục sự cố cầu Ghềnh. Ảnh: Đinh Quang Tuấn
Bộ GTVT đề nghị huy động tổng lực để rút ngắn thời gian khắc phục sự cố cầu Ghềnh. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Sau khi nghe các đơn vị quản lý, tư vấn thiết kế, trục vớt cứu hộ kiến nghị các giải pháp, Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị phải huy động tổng lực để rút ngắn thời gian khắc phục sự cố cầu Ghềnh.

Về phương án khôi phục, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chỉ định cho hai đơn vị tiến hành ngay phương án khảo sát. Trong đó, xây dựng 3 kịch bản khôi phục, nâng cấp và làm mới hoàn toàn. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, đối với việc khắc phục sự cố cầu Ghềnh, thời gian là yếu tố số một, kinh phí là yếu tố so sánh.

Trước đó, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp Bộ chỉ đạo khắc phục sự cố cầu Ghềnh. Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT.

Bộ GTVT cho biết, Tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp đến hiện trường sự cố để xác định nguyên nhân; sơ bộ đánh giá, xác định mức độ hư hỏng cầu Ghềnh và chỉ đạo công việc liên quan đến khắc phục sự cố cầu; đề xuất các giải pháp ban đầu để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa; đề xuất, thẩm định các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục sự cố cầu…

Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kịp thời phong tỏa khu gian và dừng chạy tàu khu gian Biên Hòa - Dĩ An, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện. Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu hàng mang số hiệu 2542 đang chạy trong khu gian Biên Hòa - Dĩ An đã được nhân viên gác chắn đường ngang km 1700+174 dừng tàu, đảm bảo an toàn. Trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chuyển tải hành khách từ Ga Biên Hòa vào Ga Sài Gòn và ngược lại.

Sự cố trên xảy ra vào lúc 11 giờ 35 phút trưa ngày 20/03/2016, tàu kéo sà lan từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại km 1699+860 thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu.

Đây là vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng thứ hai diễn ra trong vòng 1 tháng qua. Trước đó, vào chiều ngày 6/3, tàu Thành Luân 28 mang số hiệu HP 3016 không chở hàng, chạy trên sông Kinh Môn hướng Hải Dương - Hải Phòng đã bất ngờ đâm vào cầu An Thái, khiến giao thông qua đây bị tê liệt.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện cả nước có 427 cầu nằm trên các tuyến vận tải ĐTNĐ trung ương. Trong đó có 125 cầu tĩnh không không đảm bảo chạy tàu (theo đề án “Cải thiện tĩnh không cầu, đảm bảo ĐTNĐ của Cục ĐTNĐ năm 2015); 64 cầu ưu tiên nâng cấp; 5 cầu thuộc diện đặc biệt phải nâng cấp, gồm: cầu Long Biên, cầu Đuống (Hà Nội) cầu Chui (Hải Phòng), cầu Ghềnh (Đồng Nai) và cầu Bình Lợi (TP.HCM).

Chuyên đề